Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tại Tổ 16, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo 2 nghị quyết nêu trên. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau đề xuất thêm một số vấn đề cần quan tâm thực hiện.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, đóng góp ý kiến tại tổ thảo luận.
Đối với tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, đại biểu quan tâm hai vấn đề: Thứ nhất, đã có mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và đang tổ chức thực hiện. Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cho thấy có một số nội dung, vấn đề khác so với hai mô hình chính quyền đô thị đã thực hiện. Do đó, trên cơ sở hai mô hình đã thực hiện, đề nghị Chính phủ rà soát lại những nội dung còn bất cập, chưa phù hợp cần loại bỏ để thống nhất về tổ chức chính quyền đô thị trên toàn quốc (khi các đơn vị khác đủ điều kiện) và áp dụng tương đối cơ bản giống nhau, tránh việc mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu (tất nhiên là trừ những tính đặc thù riêng biệt); đồng thời, rà soát làm rõ hơn về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban ban dân quận (tại Điều 4, Điều 7 Dự thảo Nghị quyết).
Thứ hai, đại biểu quan tâm đến vấn đề liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã và cấp huyện, bởi trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc luân chuyển cán bộ. Hiện nay, việc tuyển dụng cán bộ, công chức xã, phường giao cho cấp quận, thành phố tổ chức và vẫn phải thi đầu vào, các tiêu chuẩn cũng giống như cán bộ của cấp huyện; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề nhưng đội ngũ này rất mỏng. Về chuẩn, đã có quy định đầy đủ và hầu như đều có trình độ đại học trở lên, đã qua bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị trở lên; do đó, việc liên thông cán bộ, công chức giữa cấp xã và cấp huyện là rất cần thiết. Đại biểu đề nghị, nên áp dụng vấn đề này đối với mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng để sau thời gian thực hiện có đủ cơ sở để có thể sửa đổi Luật cán bộ, công chức về vấn đề này.
Đối với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu bày tỏ sự đồng tình, thống nhất. Bởi vì, đã có đủ các căn cứ chính trị, pháp lý và đảm bảo các điều kiện theo Khoản 2, Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần lưu ý hai vấn đề.
Thứ nhất, qua nghiên cứu tài liệu, hình ảnh có liên quan cho thấy độ chênh lệch, khoảng cách phát triển giữa TP Huế và các huyện lân cận còn khá xa. Do đó, cần tiếp tục có các giải pháp, chính sách để sớm thu hẹp khoảng cách này sau khi nghị quyết được thông qua.
Thứ hai, trong quy hoạch làm thế nào để đảm bảo hài hoà giữa hiện đại và bản sắc dân tộc, bảo tồn các di sản văn hoá. Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề nhức nhối mà các đô thị hiện đại đang gặp phải như: quy hoạch nhà ở, quy hoạch đường… để hạn chế thấp nhất về ngập úng và ách tắc giao thông… cũng như hạn chế tối đa những vướng mắc, bất cập về sau.
Đỗ Trung Tín – Thúy Hằng lược ghi
Nguồn: https://baocamau.vn/lien-thong-giua-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-cap-xa-va-cap-huyen-la-rat-can-thiet-a35308.html