Đó là chủ đề Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 vào sáng 31/12/2024. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị đối thoại với nông dân. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ NN&PTNT; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch.
Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; nhất là đại diện nông dân tiêu biểu, khoảng hơn 4 ngàn đại biểu. Phía đầu cầu tỉnh Cà Mau, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại chủ trì.
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại chủ trì hội nghị phái đầu cầu Cà Mau.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên để các Bộ, ngành Trung ương lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn để cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, bà con nông dân, các HTX đã có những đóng góp quan trọng trong các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của đất nước với những thành tích vượt bậc. Trong năm qua, lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nông nghiệp, nông dân có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó, tổng sản phẩm (GRDP) của ngành ước đạt 15.280 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,9% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
“Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ khó khăn, cùng tìm giải pháp tạo bứt phá trong năm 2025. Rút kinh nghiệm cái gì đã tốt rồi thì làm tốt hơn, cái gì chưa tốt thì cùng nhau tháo gỡ với tinh thần là cùng làm, cùng chia sẻ, cùng rút kinh nghiệm và cùng phát triển. Mục tiêu lớn nhất là phải làm sao cả nước chung tay, chung sức, đồng lòng để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định.
Với tinh thần đó, trong hội nghị, có nhiều câu hỏi liên quan đến các chính sách về đất đại, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu… gửi đến Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Liên quan đến những ý kiến về phát triển HTX, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, để phát triển vùng nguyên liệu tập trung không chỉ có tập trung các mảnh đất nhỏ để thành vùng sản xuất trên mảnh đất lớn mà người dân cũng phải liên kết lại với nhau, để không chỉ có sản xuất mà phải có chế biến, bảo quản, ứng dụng khoa học công nghệ, thị trường đầu ra… Do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX hiện còn rất nhiều việc phải làm, không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn liên quan đến công nghệ, chế biến, thị trường…
Lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trụ quan trọng của nền kinh tế với tỷ trọng hiện chiếm hơn 31,9% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. (Ảnh minh hoạ)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là mục tiêu, khát vọng rất lớn của dân tộc mà chúng ta phải thực hiện. Để đạt được khát vọng đưa đất nước đi lên trong kỷ nguyên mới thì nông nghiệp không thể đứng một mình, mà phải có hệ sinh thái để cùng phát triển. Để phát triển nông nghiệp, phải khai thác triệt để giá trị của đất trên nền tảng quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu phù hợp, sát với từng khu vực và đáp ứng nhu cầu thị trường. Có như vậy mới tạo sự cộng hưởng của đất đai, của điều kiện khí hậu và tiềm lực của doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta chỉ mang ra thị trường những cái mình có chớ không phải cung cấp cái người dân cần. Phải thay đổi tư duy của các cấp chính quyền và tư duy của người nông dân. Phải nghiên cứu, tìm hiểu, dự báo và kết nối thị trường, nhất là các mặt hàng chủ lực, theo đó là quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, phải chế biến sâu, kết nối giữa doanh nghiệp và người dân, xây dựng thương hiệu, tài chính… Tất cả những việc làm này, trách nhiệm chính thuộc về Nhà nước, các cấp để hỗ trợ nông dân.
Do đó, thời gian tới cần tiếp tục đột phá về thể chế chính sách, đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” chính sách phải tháo gỡ. Tiếp theo là quy hoạch, quy hoạch vùng đất đai sản xuất, đất quy hoạch ngành, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, khu dịch vụ sản xuất… Phải tiếp tục rà soát lại các quy định trong Luật đất đai để “cởi trói”, phát huy tối đa nguồn lực đất đai, gắn với liên kết để hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Nhà nước sẽ tiếp tục ký kết các hiệp định để mở rộng thị trường cho nông dân nhưng nông dân phải sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm đi đôi với đóng gói, bao bì phải sạch, đẹp, bắt mắt, dễ vận chuyển… Phải ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sản tạo, nghĩ sâu, làm lớn, tiên tiến nhưng phải sạch và xanh. Đồng thời, phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho tất cả các ngành, các cấp để tiến tới số hoá, ứng dụng trí tuệ thông minh vào sản xuất. Nguồn năng lực phải chất lượng cao, sự chuyển đổi này phải được diễn ra ngay trong chính người dân.
Nhà nước sẽ tập trung vào 3 đột phá là cải thiện cơ chế chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng từ giao thông cho đến văn hoá, thể dục thể thao, giáo dục, y tế… Đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, tay nghề, trình độ và khả năng tổ chức sản xuất của người dân. Điểm tựa quan trọng của dân tộc là đoàn kết, thống nhất, càng khó khăn càng phải đoàn kết, kết hợp sức mạnh của dân tộc và thời đại để phát triển đi lên.
Nhân dịp cuối năm 2024 và chào đón năm mới 2025, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước.
Nguyễn Phú
Nguồn: https://baocamau.vn/khoi-day-khat-vong-lam-giau-de-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-vung-tin-buoc-vao-ky-nguyen-a36450.html