Ngành tôm Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thử thách, từ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, dịch bệnh, đến chi phí sản xuất gia tăng. Trong bối cảnh đó, Cà Mau – một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất tôm của Việt Nam, không chỉ vượt qua những khó khăn này mà còn có thể tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, mô hình nuôi tôm sinh thái và các chính sách đồng bộ từ chính quyền địa phương.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú, chia sẻ, Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam, với lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm tôm giá trị gia tăng. Ðây là một yếu tố quan trọng giúp Cà Mau duy trì thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc và Hàn Quốc. Tôm Cà Mau không chỉ nổi bật nhờ sản lượng lớn mà còn nhờ chất lượng vượt trội, với các mô hình nuôi tôm sinh thái như tôm – rừng, tôm quảng canh và tôm – lúa, giúp nâng cao giá trị môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, ngành tôm Cà Mau cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia như Ấn Ðộ, Ecuador và Thái Lan. Theo ông Quang, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là dịch bệnh, làm giảm tỷ lệ thành công trong nuôi tôm và tăng chi phí sản xuất. Giá thành sản xuất tôm ở Cà Mau vẫn còn cao so với các quốc gia cạnh tranh, đặc biệt khi mô hình nuôi tôm công nghiệp và siêu thâm canh yêu cầu môi trường nuôi rất khắt khe, làm tăng chi phí.
Giá thành sản xuất tôm ở Cà Mau vẫn còn cao so với các quốc gia cạnh tranh. (Ảnh minh hoạ)
Ðể giải quyết vấn đề này, Tập đoàn Minh Phú đã triển khai công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến từ các quốc gia trên thế giới. Việc sử dụng kháng thể IgY để ức chế và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, cùng các công nghệ Bio Floc, Bio Mimicray và Probiotics giúp tôm tăng cường sức khoẻ và miễn dịch, từ đó giảm thiểu dịch bệnh và nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí sản xuất. Minh Phú còn chú trọng phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng, như tôm hữu cơ, tôm sinh thái, tôm cao cấp, để không chỉ giữ vững thị phần mà còn mở rộng phạm vi tiêu thụ tại các thị trường quốc tế.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định, Cà Mau sở hữu tiềm năng lớn trong việc nuôi tôm, với diện tích nuôi tôm lên đến hơn 278.000 ha và sản lượng đạt 242.000 tấn mỗi năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD mỗi năm. Ðể phát huy tối đa tiềm năng này, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp để xây dựng các vùng nuôi tôm đạt chứng nhận hữu cơ và sinh thái. Mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đã giúp nâng cao giá trị ngành tôm và đảm bảo việc tiêu thụ ổn định.
Trong bối cảnh khó khăn do tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine làm giảm nhu cầu tiêu thụ tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các giải pháp quản lý trọng tâm, như theo dõi nhu cầu thị trường, tăng cường giám sát dịch bệnh, phát triển nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng sự hỗ trợ cơ giới hoá và bảo hiểm nông nghiệp, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngành tôm phát triển bền vững.
Mô hình nuôi tôm sinh thái giảm thiểu dịch bệnh, được thị trường quốc tế ưa chuộng.
Ông Vũ nhận định, sự đổi mới về công nghệ và áp dụng các quy trình nuôi tôm tiên tiến đã góp phần tạo ra nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả trong những năm qua. Cùng với các giải pháp đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người nuôi tôm, ngành tôm Cà Mau hy vọng sẽ vượt qua các thách thức và duy trì vị thế vững vàng trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và các chính sách hỗ trợ hợp lý, ngành tôm Cà Mau không chỉ có thể giữ vững thị phần mà còn mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như góp phần khẳng định được vị thế của tôm Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu./.
Hồng Phượng
Nguồn: https://baocamau.vn/giai-phap-ben-vung-cho-nganh-tom-a37353.html