Powered by Techcity

Ðồng xanh trên đất mặn



Báo Cà Mau
Từ những năm 2000, khi thực hiện chuyển dịch sản xuất sang nuôi tôm, trên đồng đất huyện Phú Tân dần thưa thớt đi màu xanh của cây lúa, nhường chỗ cho con tôm phát triển. Câu chuyện khôi phục lại nghề trồng lúa trên đất nuôi tôm tuy không còn xa lạ tại các địa phương trong huyện, nhưng số người làm được lại rất khiêm tốn và để cây lúa trĩu hạt trên vùng đất mặn cũng không phải chuyện dễ.

Ông Tô Văn Tôn, ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa ở xứ này, nhà nào cũng trồng lúa, tuy không giàu có, dư dả nhưng đủ ăn. Mấy năm nay tôm tép thất bát, thấy mấy chỗ khác làm lúa trúng mùa, bà con cũng ham lắm, nhưng chuyện trồng lúa trên đất mặn đâu phải dễ. Thế nên, vừa rồi ở ấp phát động phong trào vụ lúa, vụ tôm, tuy nhiên trong tổ tự quản chỉ có tôi và 1 hộ nữa làm”.

Sau nhiều lần xuống giống thất bại, ông Tôn đúc kết được nhiều kinh nghiệm. “Ðể trồng được lúa trong vuông tôm, khâu chọn giống rất quan trọng, sau nhiều lần thử nghiệm, tôi quyết định chọn giống Lùn Kiên Giang để làm. Giống lúa này với độ mặn trong đất khoảng 5 phần ngàn thì cây lúa vẫn sinh trưởng bình thường, bộ rễ khoẻ để cây bám chặt vào đất. Cái khó ở chỗ, khi những bà con nuôi tôm gần mình lấy nước mặn vào sẽ ngấm qua ruộng, lúc đó sẽ khó kiểm soát độ mặn trong đất. Vấn đề chim, chuột phá hoại cây lúa trong quá trình trổ bông cũng khiến tôi đau đầu”.

Cánh đồng lúa - tôm của ông Tô Văn Tôn sau 5 tháng xuống giống.

Cánh đồng lúa – tôm của ông Tô Văn Tôn sau 5 tháng xuống giống.

Sử dụng phương pháp cấy lúa theo kiểu truyền thống, với diện tích 3 công tầm lớn, ông Tôn xuống giống hơn 5 tháng nay. Sinh trưởng trên vùng đất khó, dường như cây lúa ở đây cũng rắn rỏi hơn. Trên lúa, dưới tôm, cua, cả ba sống cùng nhau sinh trưởng, đó là tín hiệu vui giúp người nông dân vững lòng để xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững.

Tại xã Phú Thuận, từ năm 2023, nhận thấy trên địa bàn chỉ có 3 hộ dân thực hiện mô hình trồng lúa, tuy chỉ là mô hình tự phát nhưng lại hiệu quả, vì vậy, trong năm 2024, UBND xã phát động mô hình trồng lúa 1 vụ trên đất nuôi tôm và được 95 hộ đăng ký tham gia. Ðồng thời, mô hình được Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp xuống địa bàn hỗ trợ tập huấn.

Ông Tô Chí Nhựt, Phó chủ tịch UBND xã, thông tin: “Ðịa phương với vai trò đầu mối hỗ trợ tìm nguồn giống thích hợp để cung cấp cho người dân, vừa qua chúng tôi giao được 1 tấn giống để bà con sản xuất đúng mùa vụ. Hiện trên địa bàn xã đã có 36 hộ xuống giống, với tổng diện tích 19,1 ha. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục làm đầu mối trực tiếp hỗ trợ người dân về phân thuốc, kỹ thuật, máy móc, đầu ra để phục vụ trong quá trình sản xuất”.

Với định hướng làm đến đâu chắc đến đó, chính quyền địa phương không khuyến khích bà con sản xuất ồ ạt, mà chỉ tập trung vào những hộ có kinh nghiệm và những mô hình hiệu quả. Từ đó sẽ đánh giá chất lượng mô hình, làm tiền đề nhân rộng cho năm sau./.

 

Hữu Nghĩa – Minh Thừa

 



Nguồn: https://baocamau.vn/dong-xanh-tren-dat-man-a35920.html

Cùng chủ đề

Cà Mau nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

U Minh là một trong những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong tỉnh. Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của huyện U Minh giảm còn 2,7% (nếu năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ). Chăm lo phát triển đời sống hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND huyện U Minh...

Cùng tác giả

Cà Mau nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

U Minh là một trong những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong tỉnh. Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của huyện U Minh giảm còn 2,7% (nếu năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ). Chăm lo phát triển đời sống hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND huyện U Minh...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất