Thời gian qua, với nỗ lực của các ngành, các cấp trong công tác hỗ trợ, cùng sự tự thân vận động của các chủ thể, đến nay, huyện Năm Căn gặt hái nhiều kết quả khả quan trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để sản phẩm ngày càng vươn xa, có chỗ đứng trên thị trường.
Hợp tác xã (HTX) Bánh phồng tôm Hàng Vịnh – Năm Căn được thành lập năm 2019, sau thời gian dài nỗ lực, đến năm 2023, HTX có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đồng thời để phục vụ du lịch và người tiêu dùng lân cận, huyện đã hỗ trợ HTX 100 triệu đồng; cùng với nguồn vốn đối ứng, HTX đã hoàn thiện, đưa vào hoạt động Ðiểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kể cả sản phẩm đặc sản và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu địa phương. Ðây là mô hình đầu tiên được huyện hỗ trợ thực hiện, nhằm đa dạng hoá hình thức kết nối, tiêu thụ, phát triển thị trường và quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, nhất là khách hàng tiềm năng.
Bà Trần Thu Trang, Giám đốc HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh – Năm Căn, phấn khởi cho biết: “Trong 5 năm hoạt động từ khi thành lập, HTX nhận được sự quan tâm rất nhiều của địa phương, các ngành, các cấp. Ðặc biệt, mới đây, HTX được hỗ trợ Ðiểm giới thiệu và bán sản phẩm, tạo điều kiện để khách du lịch các nơi về đây biết được sản phẩm OCOP của địa phương, cũng như của HTX. Hướng tới, tôi sẽ mở cửa hàng, làm mô hình sản xuất nhỏ bên trong để khách hàng có thể vừa mua sản phẩm, vừa trải nghiệm quy trình làm sản phẩm của HTX”.
Ðiểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh – Năm Căn vừa mới đưa vào hoạt động.
Ông Trần Thanh Nghị, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, cho biết: “Năm 2024, huyện công nhận thêm 7 sản phẩm OCOP 3 sao của 5 chủ thể, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 18 sản phẩm được công nhận OCOP của 8 chủ thể, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 12 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm này thuộc nhóm thực phẩm, gồm: bánh phồng tôm, bánh phồng tôm tít, bánh phồng cua, bánh phồng môn, bánh phồng chuối, tôm khô sinh thái, thịt cua sinh thái, chả tôm sinh thái, tôm sú rừng sinh thái, cua biển sinh thái, chà bông tôm, cua biển và sản phẩm yến sào tinh chế…”.
Đến nay, huyện Năm Căn có 18 sản phẩm được công nhận OCOP của 8 chủ thể. (Trong ảnh: Sản phẩm tôm khô của cơ sở Trường Hải, xã Tam Giang Đông, tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 và được công nhận đạt chuẩn 3 sao).
Theo đó, các chủ thể được cấp giấy chứng nhận, sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao thể hiện trên bao bì sản phẩm, đồng thời được hỗ trợ phát triển sản phẩm Chương trình OCOP theo quy định hiện hành. Hiện nay, các chủ thể tiếp tục tiêu chuẩn hoá sản phẩm, khắc phục những hạn chế, bổ sung và hoàn thiện sản phẩm để nâng hạng.
Ngoài ra, ngành chức năng huyện còn tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các sự kiện được tổ chức trong tỉnh và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP do các bộ, ngành và khu vực tổ chức; thực hiện tốt các chính sách cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, như thường xuyên phối hợp với sở, ngành tỉnh hỗ trợ in ấn tem, nhãn mác, lô gô truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý trên bao bì sản phẩm.
“Ðối với các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND huyện hướng dẫn các chủ thể thực hiện đúng quy chế quản lý sản phẩm, bên cạnh đó sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan vận động chủ thể tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tạo điều kiện đánh giá, phân hạng sao cao hơn”, ông Trần Thanh Nghị cho biết thêm.
Năm 2025, huyện tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ tham mưu các cấp về Chương trình OCOP, trên cơ sở lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết, hiểu và tham gia đồng bộ. Ðặc biệt, đưa các nội dung phát triển sản phẩm OCOP vào chương trình hành động, kế hoạch ở các ngành, địa phương, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài. Mục tiêu huyện đề ra là phát triển thêm 12 sản phẩm mới, đồng thời nâng hạng cho 6 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, trong đó phấn đấu có từ 1-2 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
N.Tố
Nguồn: https://baocamau.vn/dong-long-lam-ocop-a37136.html