Những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn khởi nghiệp cũng như mở rộng quy mô sản xuất của thanh niên, Huyện đoàn Phú Tân đã làm tốt công tác uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) trên địa bàn huyện có điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Tại ấp Cống Ðá, xã Phú Tân, đoàn viên Ðặng Văn Mãi thực hiện mô hình nuôi gà thương phẩm, cho thu nhập khá. Tốt nghiệp kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản năm 2020, sau 2 năm làm việc tại công ty thuốc thuỷ sản ở tỉnh Sóc Trăng, anh trở về quê lập nghiệp.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2022, anh mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi gà thương phẩm. Lúc đầu, do thiếu vốn nên anh chỉ nuôi nhỏ lẻ vài chục con, rồi bán gà thịt cho bà con chòm xóm. Thấy gà dễ nuôi, dễ tiêu thụ, anh quyết định mở rộng mô hình, nhưng thiếu vốn đầu tư. Theo đó, Xã đoàn phối hợp với NHCSXH, tham mưu UBND xã tạo điều kiện để anh Mãi vay vốn phát triển chăn nuôi.
Ðược vay 40 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, anh Mãi mở rộng mô hình nuôi gà. Ðến nay, đàn gà được nhân rộng hơn 250 con. Theo chu kỳ nuôi xoay vòng, mỗi năm xuất bán 4 lứa, mỗi lứa từ 120-150 con, giá bán từ 100-120 ngàn đồng/kg. Anh bỏ sỉ cho quán ăn và các dịch vụ nấu đám trên địa bàn xã Phú Tân, thị trấn Cái Ðôi Vàm, cộng thêm tiền bán gà giống, mỗi năm gia đình thu lãi từ 70-80 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh có cuộc sống ổn định, đã trả nợ ngân hàng, có vốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Ðoàn viên Ðặng Văn Mãi (bìa trái) với mô hình nuôi gà thương phẩm, mỗi năm lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng.
Cùng xã Phú Tân, anh Hồng Văn Lâu, đoàn viên ấp Cái Nước Biển, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH huyện để phát triển mô hình sản xuất cá đù một nắng. Ðược vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm năm 2023, anh Lâu đầu tư mua tủ đông, máy hút chân không, mua cá tươi về chế biến thành phẩm cá đù một nắng. Sản phẩm cá đù một nắng của gia đình anh được khách hàng biết đến và ưa chuộng. Không chỉ bán sỉ, lẻ cho khách hàng trong và ngoài huyện, anh còn bán cho khách hàng các tỉnh: Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh. Từ sản phẩm cá đù một nắng, mỗi tháng gia đình thu lợi nhuận 20-30 triệu đồng.
Anh Hồng Văn Lâu (bìa trái) với mô hình sản xuất khô cá đù một nắng, mỗi tháng gia đình có lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng.
Anh Lâu chia sẻ: “Tôi cảm ơn NHCSXH huyện đã hỗ trợ tôi trong thời gian qua. Nhờ đồng vốn vay của ngân hàng mà gia đình tôi có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế. Hướng tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất”. Hiện tại, sản phẩm cá đù một nắng của anh Lâu được địa phương đánh giá đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chất lượng kiểm định và đang làm hồ sơ trình Hội đồng Phân hạng sản phẩm OCOP huyện Phú Tân công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Còn với chị Lê Thị Ngách, Bí thư Chi đoàn ấp Cái Nước Biển, năm 2023, chị quyết định vay vốn NHCSXH, thành lập tổ hợp tác may thời trang tại nhà, do chị làm tổ trưởng, vừa tăng thu nhập, vừa giúp phụ nữ địa phương có việc làm tại chỗ, cải thiện kinh tế gia đình. Chị Ngách cho biết: “Tôi có tay nghề may nhưng không đủ vốn nên tôi đề xuất với Xã đoàn và được hỗ trợ vay vốn kịp thời”.
Với 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, chị Ngách mua máy may, máy vắt sổ… Hiện tổ hợp tác may thời trang ấp Cái Nước Biển thu hút được 6 thành viên là phụ nữ địa phương tham gia. Ban đầu tổ chỉ nhận may các mẫu đồ thời trang, đồng phục cho các cơ quan, trường học, đồng phục cho giáo viên, học sinh. Nhưng sau thời gian thực hiện, chị em học hỏi lẫn nhau, nâng cao tay nghề nên chị Ngách liên kết thêm với các xưởng may ở TP Hồ Chí Minh nhận thêm hàng may gia công, giúp chị em tăng thu nhập.
Tổ may do chị Lê Thị Ngách làm tổ trưởng, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.
Chị Ngách chia sẻ: “Hiện nay, mỗi tháng tôi có thu nhập từ 7-8 triệu đồng, các chị em trong tổ cũng thu nhập từ 3-5 triệu đồng”.
Anh Lưu Văn Hậu, Phó bí thư Xã đoàn Phú Tân, cho biết: “Hướng sắp tới, Xã đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH huyện hỗ trợ nguồn vốn vay để ÐVTN trong xã phát triển kinh tế tại địa phương”.
Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều ÐVTN trong đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Thông qua hoạt động nhận uỷ thác cho vay vốn của NHCSXH, cán bộ Ðoàn các cấp trong huyện kịp thời nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những thanh niên có nhu cầu vay vốn. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức Ðoàn với ÐVTN.
Nhờ vậy, hầu hết những trường hợp được vay vốn đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi cua, nuôi cá kèo, nuôi tôm, nuôi ếch… Ðến nay, địa bàn huyện có trên 28 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, có mức thu nhập trung bình mỗi hộ từ 80-100 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Phương Linh, Bí thư Huyện đoàn, cho biết: “Hướng tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn; chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương để phân bổ nguồn ngân sách thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ðẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp để thành lập các nguồn quỹ đầu tư. Qua đó, giúp ÐVTN tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp”.
Tính đến nay, Huyện đoàn Phú Tân quản lý 56 tổ tiết kiệm vay vốn, có 3.068 hộ ÐVTN vay, tổng dư nợ hơn 99 tỷ đồng. Ðể nguồn vốn tín dụng là đòn bẩy phát triển kinh tế trong thanh niên, Huyện đoàn tạo mọi điều kiện cho ÐVTN trong huyện được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, làm tốt công tác uỷ thác cho vay từ NHCSXH huyện.
Anh Phan – Hồng Tươi
Nguồn: https://baocamau.vn/diem-tua-giup-thanh-nien-lap-nghiep-a35941.html