Vì chương trình “Cà Mau – Ðiểm đến” đã quá thành công trong năm 2023 nên chuỗi sự kiện trong năm 2024 đang nhận nhiều kỳ vọng, nhưng cũng là áp lực cho đơn vị tổ chức tỉnh nhà trong bài toán giữ chân và hút thêm khách du lịch.
Phải làm mới
Trong 3 năm triển khai thực hiện, chương trình sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến” đã tạo được thương hiệu và mang hình ảnh vùng đất, con người Cà Mau đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, đồng thời thu hút lượng du khách nước ngoài tìm về vùng đất cực Nam.
Theo đánh giá, “Cà Mau – Ðiểm đến 2023” đã thu hút hơn 213 ngàn lượt du khách, mang về doanh thu 230 tỷ đồng; góp phần vào thành tích của ngành du lịch trong năm, đó là thu hút hơn 2 triệu lượt du khách đến với Cà Mau, doanh thu hơn 2.900 tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
Những thành quả đạt được nói trên khiến sự kỳ vọng dành cho “Cà Mau – Ðiểm đến 2024” càng cao hơn, không chỉ tiếp tục phục vụ việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và thương mại, mà còn phải tạo sức thu hút lượng khách du lịch vượt hơn những năm trước.
Lễ dâng hương tại Ðền thờ Lạc Long Quân, một trong những điểm tham quan và nét văn hoá được đưa vào quảng bá cho Cà Mau – Ðiểm đến 2024. (Ảnh chụp năm 2023).
Ðể giải bài toán khó này, UBND tỉnh được sự tham mưu của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng nhiều sở, ban, ngành liên quan để đưa ra chuỗi hoạt động, sự kiện hấp dẫn, mới lạ, độc đáo, hướng đến du lịch xanh, du lịch sinh thái. Theo đó, “Cà Mau – Ðiểm đến 2024” vẫn tổ chức những sự kiện thường niên mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền, như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Lễ Tri ân Quốc Tổ, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ, Sự kiện “Hương rừng U Minh”, Giải Marathon Cà Mau…
Tuy nhiên, đối với các hoạt động này cần có sự thay đổi, mới mẻ, bởi nếu không thì chỉ thu hút được một số lượng nhỏ du khách chưa có cơ hội đến Cà Mau, còn những du khách đã quá quen thuộc với Cà Mau sẽ cảm thấy nhàm chán.
Anh Nguyễn Bá Thiên, du khách đến từ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, cho biết: “Lần đầu đặt chân đến Cà Mau, được bạn bè ở đây đưa đi xem Lễ hội Nghinh Ông, tôi thấy mới lạ vì văn hoá tín ngưỡng vùng biển đặc sắc. Các hình thức cúng bái rất bài bản và nhiều thủ tục xưa vẫn được giữ gìn, lưu truyền rất tốt”.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc năm 2024 giữ được nét đặc trưng riêng của vùng miền.
Với chị Lê Minh Hà, du khách đến từ phường An Cựu, TP Huế, người đã nhiều lần đến Cà Mau công tác lẫn du lịch và tham gia nhiều sự kiện trong chuỗi “Cà Mau – Ðiểm đến” năm 2022 và 2023, thì chia sẻ: “Tôi hy vọng năm nay sẽ có nhiều hoạt động mới về văn hoá, du lịch hơn, bên cạnh giữ những cái đặc sắc cũ. Du khách đã đến Cà Mau nhiều lần cũng muốn tìm hiểu thêm ẩm thực, danh lam thắng cảnh, bản sắc đặc trưng… của điểm cực Nam Tổ quốc. Sự kiện mới nhưng cũng phải có tính hấp dẫn, tạo sức hút, vì thực tế nhiều tỉnh, thành mỗi năm đều tổ chức nhiều sự kiện. Nó đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh du lịch tăng và du khách như tôi cũng có nhiều lựa chọn hơn”.
Ngày hội Bánh dân gian diễn ra tại Cà Mau năm 2023 tạo được thiện cảm và sức hút với du khách. (Ảnh chụp ở Cà Mau – Ðiểm đến 2023).
Nếu làm theo lối mòn cũ, “Cà Mau – Ðiểm đến” sẽ khó giữ vững thương hiệu đã xây dựng được. Chưa kể, sự cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch đang dần chia thị phần du khách ở các tỉnh cũng làm lượng người đến tham quan, du lịch tại Cà Mau bị chia nhỏ và giảm đi khi cái mới tuy có nhưng không tạo được sức hút.
Nhiều hoạt động lần đầu tiên được tổ chức
Bên cạnh các hoạt động trên, để hút khách du lịch, “Cà Mau – Ðiểm đến 2024” sẽ đưa vào một số hoạt động mới dự kiến lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh, như: Tuần lễ Sách và văn hoá đọc, Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hoá ẩm thực Năm Căn, sự kiện kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc…
Một trong những hoạt động được kỳ vọng sẽ tăng sức quảng bá du lịch ẩm thực là Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hoá ẩm thực Năm Căn, dự kiến được tổ chức trong tháng 9. Du khách sẽ được xem quy trình sản xuất bánh phồng tôm và thưởng thức món bánh phồng tôm tại Làng bánh phồng tôm Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra các hoạt động như: tổ chức trưng bày gian hàng bánh phồng tôm và các sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh; hội thi chế biến các món ăn từ bánh phồng tôm hoặc chế biến các loại bánh phồng từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, như bánh phồng tôm tít, bánh phồng cua, bánh phồng ngũ quả. Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác truyền thông, tỉnh Cà Mau sẽ kết nối, giới thiệu đến các Tiktoker kinh doanh bánh phồng tôm về sự kiện nhằm tạo hiệu ứng lan toả, thu hút du khách.
Một hoạt động nữa cũng được đầu tư tổ chức kỹ, là hoạt động kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc. Sự kiện này có quy mô cấp tỉnh, mở rộng sự tham gia của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hoá. Thông qua sự kiện và các hoạt động kỷ niệm, chương trình nghệ thuật đặc biệt, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu về quê hương và con người Cà Mau mà còn khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Ngoài ra, trong xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các hoạt động thuộc sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến 2024”, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, đề xuất các hoạt động mới, phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân và khách du lịch.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Ðể tận dụng những thành quả do chương trình sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến 2023” mang lại, ngành du lịch tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm kích cầu du lịch hiệu quả khi sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến 2024” được tổ chức trong thời gian sắp tới. Cụ thể như, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đối với các hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương; đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ cho người dân tham gia du lịch từ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và bảo vệ môi trường các điểm du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong kinh doanh du lịch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu hình ảnh, bản sắc, con người địa phương thông qua các sự kiện được tổ chức; quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch qua các kênh truyền thông báo, đài, mạng xã hội; cung cấp các thông tin cần thiết về du lịch của địa phương thông qua Trang thông tin du lịch của tỉnh (camautourism.vn)… Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để thu hút vốn đầu tư vào các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác xã hội hoá đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; nghiên cứu xây dựng cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân đầu tư làm du lịch. Ðầu tư xây dựng hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch tại địa phương”./.
Lam Khánh