Powered by Techcity

Bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm Cà Mau



Báo Cà Mau
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh và phát triển các kênh phân phối truyền thống lẫn hiện đại, nâng cao khả năng cung ứng hàng hoá, tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng hoá, đồng thời có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển thị trường tại địa phương. Trong đó, nhiệm vụ đẩy mạnh và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm OCOP địa phương được đặt lên hàng đầu.

Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận định, việc phát triển các sản phẩm OCOP có ý nghĩa nâng tầm sản phẩm của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động, qua đó góp phần phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

“Thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ và nội dung thực hiện Chương trình OCOP; các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản có liên quan của Trung ương và của tỉnh về OCOP. Tuyên truyền việc phát triển, nhân rộng cách làm hay, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo chuỗi giá trị, từng bước thay đổi tư duy nhận thức của người dân về sản xuất hàng hoá, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn và thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản, thuỷ sản và các sản phẩm thương hiệu của tỉnh. Tập trung tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia Chương trình OCOP phù hợp với khả năng và điều kiện của đơn vị, gắn với nội dung Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và các phong trào thi đua khác”, ông Lê Thanh Triều cho biết.

Tại xã, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động, triển lãm, trưng bày sản phẩm OCOP, quảng bá thương hiệu địa phương.

Tại xã, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động, triển lãm, trưng bày sản phẩm OCOP, quảng bá thương hiệu địa phương.

Qua các hoạt động phối hợp, tuyên truyền sâu rộng đã động viên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh hưởng ứng, đăng ký tham gia, góp phần phát triển mới và tiêu chuẩn hoá 81 sản phẩm của 43 chủ thể OCOP. Chủ thể OCOP nhận thức được lợi ích của Chương trình OCOP, đã tham gia phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; luôn chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, hình thành các sản phẩm có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương. Nhiều sản phẩm khi được chứng nhận OCOP đã được nâng cao giá trị, sản phẩm bán ra thị trường với mức giá tăng hơn so với trước khi tham gia chương trình; nhiều sản phẩm đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Chương trình OCOP giúp người lao động có thêm việc làm ổn định, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Chương trình dùng hàng Việt và các sản phẩm của tỉnh được triển khai liên tục.

Chương trình dùng hàng Việt và các sản phẩm của tỉnh được triển khai liên tục.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm thương hiệu của tỉnh cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, các loại sản phẩm tham gia đăng ký nhãn hiệu và tham gia để xét chọn các danh hiệu còn ít. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhãn hiệu tập thể chưa liên kết với nhau, chưa có sự thống nhất trong sản xuất, kinh doanh, việc sản xuất chưa theo quy trình cơ bản, chưa điều tiết phân chia sản xuất; giá bán chênh lệch giữa các cơ sở, chất lượng sản phẩm khác nhau, làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu. Ðồng thời, việc cung ứng sản phẩm còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Một vấn đề nữa, xuất hiện tình trạng một số cá nhân lợi dụng một số thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như mật ong, cá bổi, tôm, cua biển… của Cà Mau để dễ bán, bán giá cao, thu lợi không chính đáng, làm giảm uy tín của người kinh doanh đúng nghĩa.

Các siêu thị lẫn các điểm bán lẻ nỗ lực đẩy mạnh việc tiêu dùng hàng Việt và thương hiệu trong tỉnh.

Các siêu thị lẫn các điểm bán lẻ nỗ lực đẩy mạnh việc tiêu dùng hàng Việt và thương hiệu trong tỉnh.

Ðể bảo vệ và tăng cường xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm tỉnh Cà Mau, Sở Công thương đề ra kế hoạch cụ thể. Trước tiên là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để xây dựng thương hiệu các sản phẩm làng nghề của Cà Mau.

Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, có chính sách hỗ trợ quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ðồng thời, hỗ trợ miễn phí các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong tỉnh và hỗ trợ kinh phí vận chuyển, thuê gian hàng tham gia hội chợ ngoài tỉnh. Ngoài ra, xây dựng quy chế, quy định sử dụng nhãn hiệu, thiết lập tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là hành vi lợi dụng thương hiệu sản phẩm của Cà Mau để bán giá cao, thu lợi bất chính./.

 

Lam Khánh

 



Nguồn: https://baocamau.vn/bao-ve-va-phat-trien-thuong-hieu-san-pham-ca-mau-a37343.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất