Luân canh lúa – tôm thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, hình thành vùng chuyên canh lúa – tôm quy mô lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, giúp nhiều nông dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh đổi đời, vươn lên khá giàu.
Xã Khánh Thuận có 2.000 ha lúa – tôm, tập trung ở các ấp: 1, 4, 9, 11… việc chuyển đổi từ đất trồng lúa 2 vụ sang mô hình lúa – tôm đã tạo đòn bẩy giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Nông dân xã Khánh Thuận thu hoạch tôm càng xanh.
Thời điểm năm 2010, khi người dân sản xuất lúa 2 vụ năng suất thấp, Nhà nước có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất. Ông Tôn Trung Thuyền, Ấp 9, cho biết: “Trước đây trên diện tích 2 ha đất, gia đình tôi canh tác lúa 2 vụ trong năm, nhưng năng suất thấp, tình hình xâm nhập mặn thường xuyên, bị khô hạn, nhiễm phèn nên việc canh tác rất khó khăn, vì vậy đời sống của gia đình tôi cũng như bà con ở đây rất chật vật. Khi Nhà nước có chủ trương, gia đình đã thực hiện chuyển đổi. Hiện tại, tôi làm vụ lúa đông xuân, kết hợp thả tôm, cua trên 2 ha đất”.
Thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, tôm bị mắc các loại bệnh như: đốm trắng, nấm, thối đuôi, đen mang… Ông Thuyền đã suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ những người có kinh nghiệm nuôi hiệu quả, nhờ đó tôm, cua sinh trưởng và phát triển tốt, hiệu quả, đã giúp gia đình ông mỗi năm có thu nhập 200 triệu đồng. Từ ngày chuyển sang trồng lúa 1 vụ kết hợp thả nuôi tôm, cua, gia đình ông Thuyền có của ăn của để, không còn cảnh khó khăn như trước.
Câu chuyện đổi đời của hộ ông Thuyền cũng là quá trình vươn lên làm giàu của nhiều hộ nông dân xã Khánh Thuận. Như ông Huỳnh Văn Tâm, Ấp 9, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi mang lại, ông duy trì trồng 1 vụ lúa, thả nuôi xen tôm, cua. Ông Tâm cho biết, mùa nước ngọt làm vụ lúa đông xuân, ông chọn tôm càng xanh thả nuôi kết hợp trong ruộng lúa, còn lại những tháng nước mặn thì thả tôm sú, cua, cho thu hoạch gần như quanh năm. Hình thức canh tác này giúp tăng năng suất trên cùng diện tích đất; gốc rạ sau khi thu hoạch lúa giúp cải thiện được môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cua, từ đó cho năng suất, hiệu quả cao. “Vụ lúa kết hợp xen canh tôm càng xanh mới thu hoạch gần đây cho năng suất cao. Với hơn 2 ha, tôm càng xanh đạt 300-400 kg/ha, năng suất lúa ST 24 đạt 4 tấn/ha, trừ các khoản chi phí còn 150 triệu đồng, thêm khoản tiền bán tôm sú, cua cũng gần ngần ấy”, ông Tâm chia sẻ.
Thương lái thu mua tôm càng xanh.
Ông Tâm khẳng định: “Hơn 10 năm qua, từ khi chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang cây trồng, vật nuôi phù hợp cho kinh tế cao hơn, thu nhập đạt hiệu quả gấp 2-3 lần so với trồng lúa 2 vụ, nhờ vậy đời sống gia đình khá hơn, các con có điều kiện đến trường”.
Ông Hồ Tương Lai, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, cho biết: “Việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Hiện nay, xã đang phối hợp với các ban ngành tỉnh, huyện thực hiện sản xuất lúa – tôm theo tiêu chuẩn sạch, toàn xã có 100 ha lúa tôm VietGAP; 45 ha lúa – tôm hữu cơ. Xã đã kêu gọi các doanh nghiệp địa phương thu mua sản phẩm lúa – tôm trên địa bàn, nhìn chung trong những năm qua, đầu ra, giá cả các mặt hàng lúa – tôm rất thuận lợi và ổn định”./.
Tiểu Ái
Nguồn: https://baocamau.vn/kha-len-nho-chuyen-doi-phu-hop-a37192.html