Powered by Techcity

Nông dân khởi nghiệp sáng tạo



Báo Cà Mau
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong hội viên nông dân đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề sản xuất, kinh doanh được xem là mảnh đất màu mỡ, nhiều cơ hội để nông dân khai thác trên con đường lập nghiệp, tạo ra sự thay đổi về diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hôm nay.

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, qua thực hiện Ðề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2020-2025″, cho thấy xuất hiện ngày càng nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Ðiển hình như mô hình sản xuất lúa – tôm sinh thái của Tổ hợp tác Thuận Nhiên, ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời; nuôi ba ba thương phẩm, trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng ở Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh; Dự án nuôi cá bống mú ở ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân; nuôi tôm càng xanh ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình; Cánh đồng 100 triệu, 200 triệu ở ấp Tân Phú, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi; mô hình sản xuất và kinh doanh cây, hoa kiểng ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước; sản xuất, kinh doanh cua giống ở ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, kết hợp du lịch sinh thái ở Ấp 6, xã Tân Thành, TP Cà Mau.

2 ha lúa trên đất nuôi tôm của ông Trịnh Minh Trước đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

2 ha lúa trên đất nuôi tôm của ông Trịnh Minh Trước đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng được nhiều người quan tâm hơn. Ðể bắt kịp xu thế, nhiều hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Ông Trịnh Minh Trước, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thuận Nhiên, ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tổ hợp tác có 16 thành viên, ngành nghề chính là sản xuất tôm – lúa sinh thái. Toàn bộ diện tích sản xuất lúa và tôm nuôi của các thành viên trên 360 ha, từ khâu cải tạo đất đến nuôi trồng đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh và các loại hoá chất độc hại khác. Các sản phẩm làm ra từ con tôm, hạt gạo đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, cũng như đảm bảo được sức khoẻ cho người lao động”.

“Do sản xuất sạch, nông sản làm ra bán với giá cao hơn so với giá thị trường, ngược lại, giá thành sản xuất giảm, lợi nhuận của người sản xuất ngày càng tăng. Toàn bộ nông sản của tổ hợp tác được các doanh nghiệp bao tiêu, cung không đủ cầu. Hiện nay, tổ hợp tác đang xây dựng thương hiệu gạo lúa – tôm sinh thái Thuận Nhiên” ông Trước chia sẻ.

Từ vùng đất trũng, phèn, sản xuất lúa bấp bênh, năng suất thấp, nhiều bà con nông dân Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, mạnh dạn chuyển sang trồng cây bồn bồn và nuôi cá đồng, cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Thiêm, Ấp 14, xã Khánh An, cho biết: “Bồn bồn dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thu hoạch quanh năm, thị trường tiêu thụ rộng. Bồn bồn tươi giá bán từ 18-20 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu nhập trên 10 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ việc bán bồn bồn tươi thương phẩm, trên diện tích đất trồng bồn bồn, gia đình còn thả nuôi các loại cá đồng để tăng thu nhập, phát triển kinh tế”.

Từ vùng đất trũng, sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, người dân Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, chuyển sang trồng bồn bồn đem lại hiệu quả kinh tế.

Từ vùng đất trũng, sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, người dân Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, chuyển sang trồng bồn bồn đem lại hiệu quả kinh tế.

Bà Thiêm chia sẻ: “Từ khi chuyển sang trồng bồn bồn thì các loại cá đồng phát triển và sinh sôi nảy nở rất nhiều, đạt năng suất cao hơn. Cá đồng không chỉ đem lại nguồn thực phẩm sạch mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình. Nhờ đó, cuộc sống của tôi và bà con nơi đây không ngừng phát triển”.

Ngoài huê lợi từ cây bồn bồn, người dân còn nuôi cá đồng tăng thêm thu nhập.

Ngoài huê lợi từ cây bồn bồn, người dân còn nuôi cá đồng tăng thêm thu nhập.

Với vai trò nòng cốt trong thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh thành công, nhiều hội viên nông dân còn khơi nguồn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, tạo ra nhiều việc làm mới. Ông Huỳnh Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo như: Diễn đàn “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số” nhằm tư vấn cho hội viên nông dân phương hướng sản xuất, kinh doanh, lựa chọn loại giống cây, con chủ lực theo quy hoạch để phát huy thế mạnh; phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nhằm trang bị tri thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên, nông dân khi bắt đầu khởi nghiệp; cung cấp các kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất như: chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, kết nối thị trường tiêu thụ.

Ðặc biệt, việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cần thiết từ quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng giúp nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Qua đó, có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, đã thành lập được các câu lạc bộ Nông dân tỷ phú trên địa bàn 9 huyện, thành phố; có 81.693 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương là 64 hộ. Ðây cũng là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế./.

 

Trung Ðỉnh – Trầm Nghĩ

 



Nguồn: https://baocamau.vn/nong-dan-khoi-nghiep-sang-tao-a35934.html

Cùng chủ đề

Cà Mau nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

U Minh là một trong những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong tỉnh. Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của huyện U Minh giảm còn 2,7% (nếu năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ). Chăm lo phát triển đời sống hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND huyện U Minh...

Cùng tác giả

Bánh phồng tôm đón Tết

Cà Mau nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

U Minh là một trong những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong tỉnh. Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của huyện U Minh giảm còn 2,7% (nếu năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ). Chăm lo phát triển đời sống hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND huyện U Minh...

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất