Từ việc chế biến tinh bột nghệ, mứt nghệ đến việc tận dụng thân cây, xác và nước thải để làm phân hữu cơ và men vi sinh xử lý ao nuôi, Hợp tác xã (HTX) Nhật Huy (Khánh Bình, Trần Văn Thời, Cà Mau) do chị Lâm Hằng Ni làm chủ đã tạo ra một chuỗi giá trị xanh khép kín, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Từ hộ thu mua nhỏ lẻ…
Khởi nghiệp là một hộ kinh doanh đi thu mua củ nghệ nhỏ lẻ, chị Lâm Hằng Ni đã mạnh dạn đầu tư và thực hiện thành công mô hình sản xuất tinh bột nghệ xà cừ Cà Mau. Không dừng lại ở đó, chị còn thành lập HTX Nhật Huy, với 8 thành viên, trong đó có 6 thành viên nữ, để cùng nhau phát triển. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, chị luôn hướng HTX Nhật Huy phát triển theo hướng kinh tế xanh nhằm tạo dựng những bước đi bền vững.
Kể lại thời gian đầu kinh doanh, chị Ni cho biết: Trong quá trình thu mua hàng ở chợ đầu mối, chị nhận thấy có rất nhiều củ nghệ tươi bị gãy và phải bỏ đi. Số lượng nghệ bỏ đi gây ảnh hưởng đến thu nhập của người nông và cả người mua như chị. Điều này đã thôi thúc chị tìm kiếm một giải pháp để nâng cao giá trị cho nông sản và giúp đỡ nông dân.
Năm 2017, vợ chồng chị Ni thử nghiệm mô hình chế biến tinh bột nghệ từ giống nghệ xà cừ của địa phương. Do quá trình làm hoàn toàn bằng thủ công nên chất lượng, mẫu mã tinh bột nghệ không được như ý và năng suất thấp. Qua tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, năm 2020, gia đình chị đầu tư mua máy về xay vắt, chuyển đổi từ công nghệ sấy nóng sang sấy lạnh để giữ giá trị dinh dưỡng cho sản phẩm. Mô hình của chị đã bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật nhưng ở quy mô nhỏ.
Chị Hằng Ni chia sẻ: “Củ nghệ xà cừ ở Cà Mau từ lâu được đánh giá là cây có giá trị về dược liệu và mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Sản phẩm từ tinh bột nghệ xà cừ có hàm lượng dưỡng chất cao, có lợi cho sức khỏe. Tôi nhận thấy rằng nhiều sản phẩm trên thị trường không thực sự đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, tôi quyết tâm tạo ra một sản phẩm tinh bột nghệ hoàn toàn tự nhiên, có nguồn gốc rõ ràng, uy tín. Bên cạnh đó, tôi muốn giúp đỡ chị em phụ nữ nông thôn có thêm việc làm bằng cách trồng nghệ từ đất vườn, bờ bao còn trống để tăng thêm thu nhập”.
…đến HTX phát triển theo hướng kinh tế xanh
Nhận thấy tiềm năng từ việc phát triển mô hình của chị Ni, Hội LHPN địa phương đã giúp đỡ chị thành lập HTX vào năm 2022. Đặc biệt, từ sau khi tiếp cận với Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01), HTX Nhật Huy được hỗ trợ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Tôi được tham gia các lớp nâng cao kĩ năng quản lý HTX. Nhờ đó, tôi biết cách phân vai cụ thể phát huy năng lực của từng thành viên. HTX chúng tôi mạnh dạn mua thêm máy xay, máy sấy và tiến hành sản xuất với quy mô lớn hơn” – chị Ni cho hay.
Bên cạnh việc xây dựng được thương hiệu và liên kết các nông hộ, HTX Nhật Huy đã tạo ra một chuỗi giá trị xanh bất ngờ. Theo đó, các vườn trồng nghệ của HTX không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân hữu cơ. Thân nghệ và lá nghệ được ủ lại làm phân hữu cơ để bón lại cho vụ sau, góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường. HTX còn nghiên cứu và phát triển quy trình xử lý xác nghệ bằng vi sinh để tạo ra thức ăn bổ sung cho gà, góp phần giảm các bệnh về đường ruột cho vật nuôi. Đây chính là minh chứng rõ nét cho thấy việc phát triển sản xuất theo hướng chuyển đổi xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Việc sử dụng vi sinh từ nghệ để xử lý ao nuôi đã giúp bà con tiết kiệm được một khoản chi phí lớn cho việc mua thuốc xử lý nước. Qua vụ nuôi vừa rồi, bà con đã thấy rõ hiệu quả khi cá rô sinh trưởng tốt, nước ao sạch, đặc biệt là không còn phải lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Mấy vụ trước, bà con thường tốn 17-18 triệu tiền thuốc xử lý nước, nhưng vụ này không tốn đồng nào”, chị Ni lý giải.
Với sự nỗ lực của các thành viên trong HTX cũng như sự giúp sức rất lớn của Hội LHPN địa phương, HTX Nhật Huy được hỗ trợ vay vốn, kết nối thị trường, hướng dẫn thủ tục hành chính đến việc nâng cao năng lực quản lý. Hiện tại, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3. Mỗi tháng, HTX xuất bán 50-60 kg tinh bột nghệ; dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và đăng ký OCOP thêm 2 sản phẩm mới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cho biết: Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 200 HTX, trong đó khoảng 20% được phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý. Thực hiện Đề án 01, Hội LHPN tỉnh đang tập trung hỗ trợ 16 HTX do Hội quản lý. Đây là bước đầu để đánh giá nhu cầu và xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp. Sau đó, Hội sẽ mở rộng hỗ trợ đến các HTX khác, nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể tại địa phương.
“Các HTX do phụ nữ làm tham gia quản lý trên địa bàn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Hội phụ nữ các cấp đã tích cực tuyên truyền và hỗ trợ chị em quan tâm đến vấn đề phát triển theo hướng chuyển đổi xanh. Đáng mừng là chị em đã có nhận thức rất tốt về chuyển đổi xanh, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường”, bà Thúy cho hay.