“Tổng thể những kết quả mang lại thông qua việc thực hiện các nội dung hỗ trợ của chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS được quan tâm đầu tư nhiều hơn và về cơ bản đã đảm bảo điều kiện cần thiết cho sản xuất và dân sinh trong vùng”.
Đó là báo cáo của ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh với Đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh về kết quả triển khai, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS (chương trình) giai đoạn I (2021-2025) trên địa bàn tỉnh, vào ngày 15/11.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu trong buổi làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh.
Toàn tỉnh hiện hiện có 32 DTTS, với trên 12.000 hộ, gần 48.000 người. Đồng bào DTTS đông nhất của tỉnh là dân tộc Khmer gần 10.000 hộ, khoảng 39.000 người; tiếp đến là dân tộc Hoa với gần 1.600 hộ, khoảng 7.000 người; còn lại là 30 DTTS khác với khoảng 432 hộ, trên 2.000 người. Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 713 hộ, hộ cận nghèo 502 hộ.
Vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 gồm 5 xã khu vực III (Khánh Thuận, Khánh Lâm thuộc huyện U Minh; Ngọc Chánh, Thanh Tùng, Quách Phẩm Bắc thuộc huyện Đầm Dơi), 1 xã khu vực I (phường 2, TP Cà Mau); có 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III và 32 ấp, khóm có đông đồng bào DTTS vừa mới được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phê duyệt bổ sung thuộc vùng đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Thành Niệm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giai đoạn I (2021-2025).
Tổng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho chương trình đến thời điểm hiện tại là 181.660 triệu đồng (bằng 69,67% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn 2021-2025). Đến 20/10/2024, toàn tỉnh đã giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước của chương trình được 138.072 triệu đồng, đạt 76,01% kế hoạch vốn được giao.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, tìm hiểu đời sống người dân được hỗ trợ nhà ở theo nguồn vốn đầu tư của Chương trình.
Đánh giá về công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí, ông Nguyễn Thành Niệm, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh, thông tin: “Việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn chương trình và các nguồn vốn lồng ghép thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với địa bàn thụ hưởng chính sách, đúng theo danh mục và kế hoạch thực hiện của các địa phương thuộc diện đầu tư của chương trình; tuân thủ trình tự, thủ tục và tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ vốn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan. Kế hoạch phân khai chi tiết nguồn vốn ngân sách bố trí thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình từng năm đều được HĐND tỉnh thông qua trước khi UBND tỉnh quyết định phân bổ chi tiết cho các ngành, địa phương thực hiện”.
Theo đó, từ nguồn vốn của Chương trình, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 29 hộ; 475 hộ được hỗ trợ nhà ở; 316 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 741 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đã triển khai hỗ trợ 88 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cộng đồng cho hơn 1.000 hộ tham gia; đã và đang triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 113 công trình giao thông nông thôn, trụ sở sinh hoạt văn hoá ấp, công trình thoát nước; thực hiện duy tu bảo dưỡng 76 công trình…
Từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đang triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 113 công trình giao thông nông thôn.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình, cũng như tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn khá chậm, chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Các chính sách có tác động trực tiếp, tác động lớn đến đời sống của đồng bào vùng DTTS như chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất thì luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tạo quỹ đất để triển khai hỗ trợ.
Dự án Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em thuộc Chương trình cũng được các địa phương thực hiện đồng bộ.
Để chương trình đạt kết quả tốt hơn, Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu bổ sung cơ chế quy định riêng nhằm mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng của chương trình ở giai đoạn II đối với hộ cận nghèo thuộc địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS; xem xét đề xuất cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh khu vực ĐBSCL (cao hơn khoảng 1,5-2 lần so với định mức chung của chương trình) để thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ về: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; nhất là định mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng DTTS của các tỉnh trong khu vực, nhằm phù hợp hơn với suất đầu tư thực tế của vùng.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát, lưu ý: “Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu ý kiến từ các thành viên của Đoàn giám sát, bổ sung hoàn chỉnh báo cáo. Xung quanh các kiến nghị liên quan đến Trung ương, đến tỉnh, Đoàn giám sát tổng hợp, tiếp thu. Trong quá trình thực hiện cần bám theo quy định của Trung ương; việc rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng cần chính xác, đúng đối tượng; nguồn vốn không sử dụng hết cần xem xét, tính toán chuyển nguồn nhanh chóng, sớm hơn; cân nhắc tính toán mốc thời gian tổ chức các lớp tập huấn”.
Quỳnh Anh
Nguồn: https://baocamau.vn/dam-bao-dieu-kien-can-thiet-cho-san-xuat-va-dan-sinh-trong-vung-a35606.html