Chấp nhận không có thời gian ở bên gia đình lâu hơn, anh Đoàn Quốc Hận và anh Nguyễn Chí Hậu vội vã chuẩn bị bộ dụng cụ y tế sơ cấp cứu tai nạn, đồ nghề vá xe lưu động… đến tập trung dưới chân cầu vượt Tỉnh lộ 10 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) để làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
Theo chia sẻ của anh Quốc Hận và anh Chí Hậu, sơ cấp cứu là hoạt động điều trị cơ bản khẩn cấp cho nạn nhân bị chấn thương hoặc bệnh tật, khi chưa được đưa đến bệnh viện hoặc xe cấp cứu y tế chưa đến kịp.
“Còn người cần giúp thì anh em tôi còn làm”
Khoác lên mình chiếc áo của Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân đã nhuốm màu thời gian, anh Đoàn Quốc Hận (33 tuổi, ở P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) không khỏi bồi hồi nhớ về những tháng ngày khi Đội phòng ngừa ứng phó thảm họa lưu động Q.Bình Tân chưa thành hình.
Trước dịch Covid-19, anh Hận cùng một số anh em rong ruổi khắp các cung đường trên địa bàn Q.Bình Tân vào những đêm khuya để sơ cấp cứu và sửa xe cho người dân gặp nạn. Chỉ cần phát hiện ai bị hư xe, hết xăng hay bị tai nạn, anh em trong đội đều giúp đỡ mà không hề mong nhận lại điều gì.
Anh Hận không thể nhớ nổi mình đã thức trắng bao nhiêu đêm, đi bao nhiêu con đường, sơ cấp cứu cho bao nhiêu người… Điều còn vang vọng mãi trong chàng trai ấy chính là ngày đội chính thức được “khai sinh”.
Những người anh em trong đội, cũng như anh Hận, đều là lao động phổ thông. Anh Hận miệt mài với công việc giao nhận hàng hóa tuyến TP.HCM – Tây nguyên từ sáng sớm đến chiều muộn. Các thành viên khác thì mưu sinh với đủ nghề, từ chạy xe ôm, thợ hồ, cắt tóc, giao hàng đến bán hàng rong…
Ngày 29.4.2022, anh em trong đội chính thức có một cái tên riêng dưới mái nhà chung Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân. Nhờ sự dẫn dắt của ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân mà Đội phòng ngừa ứng phó thảm họa lưu động Q.Bình Tân ra đời, trở thành điểm tựa an toàn cho bao người giữa đêm khuya nguy nan.
Đến nay, đội đã có 28 thành viên, anh Hận giữ vai trò đội phó. Mỗi tối, từ 20 giờ đến nửa đêm, họ vá xe miễn phí, sơ cấp cứu tai nạn, hỗ trợ người say xỉn, điều tiết giao thông… Số hotline 0355654482 do anh Hận trực tiếp nắm giữ trở thành “cứu tinh” cho những ai gặp nạn bất cứ lúc nào. Sau 12 giờ đêm, nếu điện thoại đổ chuông, anh và đồng đội vẫn không ngần ngại chạy đến ứng cứu.
Từ khi đội chính thức thành lập, các thành viên được trang bị kỹ năng sơ cấp cứu thông qua những khóa huấn luyện chuyên sâu của Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân. Nhờ vậy, anh em trong đội ai cũng thạo nghề, có thể sơ cấp cứu thành thạo trong những tình huống khẩn cấp.
Đội phòng ngừa ứng phó thảm họa lưu động Q.Bình Tân hỗ trợ người dân gặp tai nạn giao thông trong đêm ẢNH: NVCC
Anh Hận cảm thấy may mắn vì có vợ là chị Võ Thị Kim Ngân (29 tuổi, ở P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) luôn bên cạnh ủng hộ.
“Thật hạnh phúc khi vợ tôi không chỉ động viên mà còn tham gia cùng tôi từ những ngày đầu tiên. Cô ấy quán xuyến mọi việc trong nhà, giúp tôi thêm vững tâm trong hành trình này”, ánh mắt của người đàn ông ấy khẽ ánh lên sự xúc động khi nhắc về vợ mình.
Dù công việc lắm lúc nguy hiểm và phải thường xuyên thức đêm hôm, anh Hận và đồng đội chưa bao giờ cảm thấy nản lòng. “Chỉ cần chân không mỏi, còn người cần giúp thì anh em chúng tôi còn làm”, chàng trai ấy nói một cách kiên định, rõ ràng.
Sức nhỏ nhưng tấm lòng lớn
Anh Nguyễn Chí Hậu (34 tuổi, ở P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) tham gia Đội phòng ngừa ứng phó thảm họa lưu động Q.Bình Tân từ những ngày đầu tiên.
Anh Hậu là trụ cột của một gia đình có 4 người con nhỏ. Hằng ngày, người cha ấy phải lao động tất bật từ tờ mờ sáng đến khi chiều tắt nắng. Tuy mệt mỏi nhưng sau mỗi ngày đi làm về, người đàn ông ấy vẫn san sẻ công việc nhà cùng vợ con.
Những bữa cơm tối chưa kịp nguội, anh Hậu đã phải vội vã chuẩn bị dụng cụ sơ cấp cứu, sửa xe, đề xe đến cầu vượt Tỉnh lộ 10 để cùng đồng đội hỗ trợ người dân.
Anh Hậu vẫn nhớ mãi những tháng ngày TP.HCM chìm trong đại dịch Covid-19, chính những người anh em trong đội sơ cấp cứu đã hỗ trợ gia đình anh những gói gạo, gói sữa… Từ sự cảm kích đó, anh đã quyết định tham gia vào con đường cứu nạn, cứu hộ. Nhưng phải đến khi thành phố dần hồi phục sau đại dịch, anh mới có thể khoác lên mình chiếc áo màu đỏ của Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân.
Rời nhà từ lúc sáng sớm, khi các con vẫn chưa thức giấc, rồi lại về lúc nửa đêm, hiếm khi người cha ấy có thời gian bên cạnh các con. Vợ chồng anh Hậu có 4 người con, nhưng vì không có thời gian đưa đón các con và chi phí học tập quá cao nên họ đành gửi 2 người con (con thứ 2 và con thứ 3) về tỉnh Cà Mau học tập và sống cùng ông bà nội.
Vợ của anh Hậu, chị Trần Thị Bé Thùy (32 tuổi, ở P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) ban đầu chưa hoàn toàn đồng ý khi chồng mình quyết định tham gia đội. Nhưng dần dần, hiểu được ý nghĩa của công việc này, chị Thùy không chỉ ủng hộ mà còn mong muốn được đồng hành cùng chồng.
Tham gia đội sơ cấp cứu, anh Hậu được các anh em chỉ dạy về cách sửa xe máy và tham gia các khóa huấn luyện sơ cấp cứu chuyên sâu của Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân. Chỉ sau vài tuần học, anh đã thành thạo những kỹ năng sơ cấp cứu và sửa xe cần thiết để ứng cứu người gặp nạn trong hoàn cảnh khẩn cấp.
Đã có lắm lúc, anh Hậu và đồng đội phải đối diện với hiểm nguy vì bị kẻ xấu đe dọa, đòi hành hung. Anh vẫn còn nhớ như in, đêm 30.4.2022, đội đang đi trực tại ngã tư Bà Hom (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) thì nhận được cuộc gọi báo có hơn 10 chiếc xe bị thủng bánh vì dính đinh ở đoạn Quốc lộ 1 (đoạn qua P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân).
Khoảng hơn 10 phút, đội sơ cấp cứu đã có mặt và tiến hành vá lốp, thay lốp miễn phí cho 12 chiếc xe máy. Tuy nhiên, khi vừa mới mở túi dụng cụ vá xe thì bất ngờ có nhiều đối tượng lạ mặt xông đến uy hiếp, đòi hành hung. Chỉ khi anh Quốc Hận (đội phó) điều động thêm người ứng cứu, nhóm côn đồ mới chịu rời đi.
Không những vậy, còn rất nhiều lần anh Hậu và đồng đội đối mặt với việc kẻ xấu dựng cảnh cướp giật, gây tai nạn cho người dân; dàn cảnh cần giúp đỡ nhằm mục đích xấu…
Dẫu là thế, anh Hậu vẫn không bao giờ có ý định dừng lại công việc này vì nguy hiểm. “Tôi không có điều kiện giúp đỡ người khác bằng tiền bạc, nhưng ít ra tôi có sức, có tấm lòng. Tôi muốn dùng chút sức lực nhỏ bé này để giúp đỡ người khác”, anh Hậu xúc động giãi bày.
“Mô hình hoạt động tốt do dân, vì dân”
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân cho biết, các thành viên Đội phòng ngừa ứng phó thảm họa lưu động Q.Bình Tân được thành lập trên cơ sở tự nguyện.
Theo ông Hoàng Nhân, từ ngày thành lập đến nay, đội đã hỗ trợ miễn phí 2.347 trường hợp gặp sự cố. Trong đó, sơ cấp cứu ban đầu 955 trường hợp, vá xe 1.095 trường hợp, thay ruột xe 297 trường hợp với tổng trị giá tương đương gần 53 đồng.
Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động của đội, hằng tháng mỗi thành viên sẽ đóng góp 100.000 đồng để mua dụng cụ sửa xe.
Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đánh giá Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Tân là một trong những đơn vị có hoạt động sơ cấp cứu tốt trên địa bàn TP.HCM.
“Đội phòng ngừa ứng phó thảm họa lưu động Q.Bình Tân là một mô hình hoạt động tốt do dân, vì dân. Các thành viên trong đội luôn có tấm lòng nhân ái, yêu thương con người. Họ đã hy sinh về giờ giấc, sức khỏe, tiền bạc dành dụm để mua dụng cụ sơ cấp cứu, dụng cụ sửa xe, chưa kể đến chi phí xăng xe cá nhân”, ông Trường Sơn cho biết.
Thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-tu-te-o-tphcm-doi-so-cap-cuu-lang-le-ho-tro-nguoi-dan-trong-dem-185240929152641197.htm