Powered by Techcity

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm vùng ĐBSCL

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm vùng ĐBSCL

Các tỉnh vùng ĐBSCL đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chủ lực như gạo, tôm, cá tra, rau, quả…

Thặng dư hơn 8 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL đạt 15,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2023, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của vùng đạt 7,59 tỷ USD, tăng 15,96% so với cùng kỳ 2023, chiếm 3,57% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Cán cân thương mại của vùng 7 tháng đầu năm 2024 đạt thặng dư 8,11 tỷ USD, tương đương với 3,56% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024 là Long An (4,35 tỷ USD), Tiền Giang (3,66 tỷ USD), Đồng Tháp (1,42 tỷ USD), Sóc Trăng (1,04 tỷ USD). Các địa phương còn lại đều có mức kim ngạch dưới 1 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của 12/13 tỉnh, thành phố đạt kết quả tăng trưởng dương so với cùng kỳ (trừ Cà Mau).

Các tỉnh vùng ĐBSCL có đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông – thủy sản chủ lực như gạo, thủy sản (tôm, cá tra…) và rau quả trái cây như sầu riêng, thanh long, mít, xoài, quýt…

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong đó, vùng ĐBSCL đóng góp 56% sản lượng lúa gạo, 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của vùng bao gồm cả các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm như Trung Quốc, Philippines và Malaysia, Bờ Biển Ngà và các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Liên bang Nga và các thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á như Nam Phi, Algerie, Angola, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

Đối với mặt hàng rau quả, việc nhiều loại trái cây đã được tiếp tục khơi thông, thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào nhiều thị trường truyền thống, “khó tính” như sầu riêng (tươi, đông lạnh), dừa tươi vào Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường Newzealand… đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.

Đối với mặt hàng thủy sản, ĐBSCL hiện đứng đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Cá tra và tôm đã trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao và là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tuy nhiên, các địa phương trong vùng ĐBSCL đối mặt với những khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, nguyên nhân theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) là do chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng thị trường. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Xuất khẩu nông sản theo hình thức trao đổi thương mại biên giới (tiểu ngạch) vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Một số mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản,… do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Chưa thực sự chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy rất dễ xảy ra. Sản xuất và thị trường chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa vùng với các thị trường trong nước, giữa thị trường trong vùng với thị trường quốc tế, dẫn tới sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, khó thu hút các dự án đầu tư quy mô và dài hạn.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phát triển chưa đồng đều, cũng như còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hạn chế này được ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhìn nhận: “Thời gian qua, TP. Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế – xã hội nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn, hạn chế năng lực cạnh tranh, cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng”.

Gian hàng trưng bày sản phẩm tỉnh Đồng Tháp tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Công Thương tổ chức tại Cần Thơ ngày 6/9/2024

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL, theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các tỉnh, thành trong vùng cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông; triển khai nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển sản xuất xuất khẩu bền vững. Cùng với đó, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, xuất nhập khẩu hàng hóa; phát triển các loại hình dịch vụ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; đồng thời, khuyến khích phát triển một số loại dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động kết nối thông tin giữa các tỉnh trong vùng, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa các thành viên trong vùng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, khắc phục khó khăn hạn chế, phát huy được các thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu (kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị thường, tìm kiếm đối tác, tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá…).

Nguồn: https://baodautu.vn/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-phat-trien-thi-truong-xuat-khau-san-pham-vung-dbscl-d224235.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Giỏ quà Tết mang hương vị quê nhà lên ngôi

Nhiều món ăn mang màu sắc bản địa vào giỏ quà Tết cao cấp năm nay – Ảnh: T.V. Đại diện The Bloom, một thương hiệu tham gia thị trường quà Tết ở TP.HCM, cho biết các mặt hàng, món ăn xuất hiện trong giỏ quà Tết của đơn vị năm nay là kết quả “săn lùng” các đặc sản địa phương trong thời gian dài, như bánh pía gia truyền, trái cây sấy bản địa, rượu nếp quê, và...

Cùng chuyên mục

Giỏ quà Tết mang hương vị quê nhà lên ngôi

Nhiều món ăn mang màu sắc bản địa vào giỏ quà Tết cao cấp năm nay – Ảnh: T.V. Đại diện The Bloom, một thương hiệu tham gia thị trường quà Tết ở TP.HCM, cho biết các mặt hàng, món ăn xuất hiện trong giỏ quà Tết của đơn vị năm nay là kết quả “săn lùng” các đặc sản địa phương trong thời gian dài, như bánh pía gia truyền, trái cây sấy bản địa, rượu nếp quê, và...

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định mổ thành công, cắt gần 3m ruột cho ca bệnh hiếm gặp

Các bác sĩ Bệnh viện Gia Định TP.HCM vui mừng khi cứu sống được bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp, phải cắt bỏ gần 3m ruột ron – Ảnh: Bệnh viện cung cấp Chiều 14-1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM đã thông tin về ca bệnh rất hiếm gặp, phải cắt gần 3m ruột non này. Đó là anh Q.P.T., 38 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau. Anh T. bị xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do tăng áp...

12 giờ ‘cân não’, cắt 3 mét ruột cứu người đàn ông mắc bệnh hiếm

Anh Q.P.T (38 tuổi, ngụ xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đi công tác tại TP.HCM thì bất ngờ bị đau bụng dữ dội quanh rốn, đi tiêu ra máu lượng nhiều, kèm chóng mặt… Khai thác bệnh sử ghi nhận, năm 2021 trong đợt dịch Covid-19, anh T. được chẩn đoán tắc tĩnh mạch cửa (hệ tĩnh mạch dẫn lưu máu từ ruột về gan) do huyết khối và được điều trị thuốc chống đông máu...

Tin nổi bật

Tin mới nhất