Powered by Techcity

Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đây là hội nghị nằm trong chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu được thực hiện trong năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì hội nghị.

Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.

Thời gian qua, chất lượng tăng trưởng của vùng được nâng lên với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng ước đạt 6,12%; một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.

Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 6,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8 % so với cùng kỳ năm trước. Ba địa phương có kim ngạch tỷ USD lần lượt là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. 

Về nhập khẩu, vùng đồng bằng sông Cửu Long nhập khẩu hàng hóa đạt 6,48 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. 02 địa phương có kim ngạch nhập khẩu tỷ USD của vùng là Long An và Tiền Giang.

Mặc dù có những kết quả nhất định, song Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, quy mô kinh tế của vùng chỉ chiếm hơn 12% so cả nước; tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động liên kết vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp Vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm,

Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng cần có định hướng và tầm nhìn phát triển là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị đại diện các địa phương trong vùng cùng tập trung trao đổi và bàn thảo giải pháp tăng cường các mặt mạnh, giảm thiểu các mặt yếu nội tại của vùng để góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cụ thể tập trung thảo luận vào phương hướng đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; Chuyển đổi số và liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng; Phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng; Sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước.

Đối với đồng chí tham gia các chuyên đề thảo luận của Hội nghị, nêu ý kiến phát biểu ngắn gọn, trọng tâm, đặc biệt phát huy các sáng kiến đóng góp khả thi, có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bấp bênh, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực, nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam phải đương đầu với lạm phát, lãi suất cao khiến suy giảm tổng cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại với Việt Nam.

“Với sự chung tay tích cực đóng góp ý chí và tâm sức với hội nghị, tôi rất mong hội nghị sẽ thu nhận được nhiều thông tin và giải pháp giá trị, sớm góp phần đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long vươn tầm phát triển mới, xứng đáng với vị thế và vai trò quan trọng đối với quốc gia”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng tin tưởng.

Hội nghị tập trung bàn thảo 06 nhóm vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long như: (1) Phương hướng phát triển các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu của vùng (về nông nghiệp: Lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu; Về công nghiệp: Chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, công nghiệp cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng; (2) Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; (3) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại vùng; (4) Liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng cho các nhóm sản phẩm thế mạnh; (5) Phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của vùng và (6) Sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.

Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ là kênh chia sẻ, trao đổi thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng đồng bằng sông Hồng trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy vùng phát triển bám sát định hướng được nêu tại Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên lề Hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.

 

Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về đất đai, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, nguồn nước thuận lợi nên diện tích cây ăn trái tăng nhanh qua từng năm. Bên cạnh lúa, thủy sản thì trái cây cũng là một thế mạnh trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của vùng. Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều…

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm…, phần lớn đến từ đồng bằng sông Cửu Long. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long 7,6 triệu tấn. Tính chung đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại… Trong tốp các địa phương có sản lượng nuôi, khai thác thuỷ hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu, tập trung hầu hết tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang (con tôm); các tỉnh như An Giang, Ðồng Tháp thì nổi tiếng với con cá da trơn.

 

Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/xu-c-tie-n-thuong-ma-i-va-pha-t-trie-n-xua-t-nha-p-kha-u-vu-ng-dong-bang-song-cuu-long.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Giỏ quà Tết mang hương vị quê nhà lên ngôi

Nhiều món ăn mang màu sắc bản địa vào giỏ quà Tết cao cấp năm nay – Ảnh: T.V. Đại diện The Bloom, một thương hiệu tham gia thị trường quà Tết ở TP.HCM, cho biết các mặt hàng, món ăn xuất hiện trong giỏ quà Tết của đơn vị năm nay là kết quả “săn lùng” các đặc sản địa phương trong thời gian dài, như bánh pía gia truyền, trái cây sấy bản địa, rượu nếp quê, và...

Cùng chuyên mục

Giỏ quà Tết mang hương vị quê nhà lên ngôi

Nhiều món ăn mang màu sắc bản địa vào giỏ quà Tết cao cấp năm nay – Ảnh: T.V. Đại diện The Bloom, một thương hiệu tham gia thị trường quà Tết ở TP.HCM, cho biết các mặt hàng, món ăn xuất hiện trong giỏ quà Tết của đơn vị năm nay là kết quả “săn lùng” các đặc sản địa phương trong thời gian dài, như bánh pía gia truyền, trái cây sấy bản địa, rượu nếp quê, và...

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định mổ thành công, cắt gần 3m ruột cho ca bệnh hiếm gặp

Các bác sĩ Bệnh viện Gia Định TP.HCM vui mừng khi cứu sống được bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp, phải cắt bỏ gần 3m ruột ron – Ảnh: Bệnh viện cung cấp Chiều 14-1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM đã thông tin về ca bệnh rất hiếm gặp, phải cắt gần 3m ruột non này. Đó là anh Q.P.T., 38 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau. Anh T. bị xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do tăng áp...

12 giờ ‘cân não’, cắt 3 mét ruột cứu người đàn ông mắc bệnh hiếm

Anh Q.P.T (38 tuổi, ngụ xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đi công tác tại TP.HCM thì bất ngờ bị đau bụng dữ dội quanh rốn, đi tiêu ra máu lượng nhiều, kèm chóng mặt… Khai thác bệnh sử ghi nhận, năm 2021 trong đợt dịch Covid-19, anh T. được chẩn đoán tắc tĩnh mạch cửa (hệ tĩnh mạch dẫn lưu máu từ ruột về gan) do huyết khối và được điều trị thuốc chống đông máu...

Tin nổi bật

Tin mới nhất