Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trong khu vực nội chí tuyến bắc bán cầu, cận xích đạo, đồng thời nằm trong khu vực gió mùa châu Á nên khí hậu Cà Mau ôn hoà thuộc vùng cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt.
Tỉnh Cà Mau mang những đặc tính chung của khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nền nhiệt cao (nhiệt độ trung bình 27,90C, trung bình cao nhất trong năm không còn vào tháng 4 mà vào tháng 5: 30,20C, trung bình thấp nhất vào tháng giêng: 26,50C), đây là điều kiện thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản.
Khí hậu trong tỉnh nhưng năm gần đây không còn phân mùa rõ rệt như trước, mùa mưa cũng không còn tâp trung từ tháng 5 – 11 và các tháng mùa khô không diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau nữa, mà lượng mưa thường phân bổ rải rác ở tất cả các tháng trong năm, vào các tháng mùa mưa thường xuất hiện những đợt nắng hạn kéo dài hoặc xuất hiện nhiều cơn mưa lớn vào các tháng mùa khô. Cụ thể, lượng mưa từ tháng 5 – 11 năm 2005 là 2.090,4 mm, đến năm 2010 là 1.973 mm; lượng mưa từ tháng 12 đến tháng 4 năm 2005 là 172,6 mm, năm 2010 là 25,3 mm.
Xuôi dòng U Minh. Ảnh: Quang Minh.
So với các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì Cà Mau có lượng mưa cao hơn hẳn. Bình quân hàng năm có 165 ngày có mưa với lượng mưa trung bình năm là 1.998,3 mm; lượng mưa phân bố không đều trong các tháng và có sự khác biệt giữa các khu vực trong tỉnh, thời điểm có lượng mưa cao nhất cũng diễn biến phức tạp trong các năm chứ không còn tập trung từ tháng 8 đến tháng 10, sau đó giảm dần đến tháng 11 như trước. Độ ẩm trung bình là 81% nhưng mùa khô độ ẩm thấp hơn, vào tháng 3 độ ẩm khoảng 74%.
Đồng lúa trĩu bông. Ảnh: Ngọc Thu.
Chế độ gió thịnh hành theo mùa, mùa khô thịnh hành hướng gió đông bắc và gió đông, vận tốc gió trung bình khoảng 1,6 – 2,8 m/s; mùa mưa thịnh hành hướng gió tây nam hoặc gió tây, vận tốc trung bình 1,8 – 4,5 m/s. Trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp hơn, trong mùa mưa thường xảy ra các cơn giông, lốc xoáy cấp 7 đến cấp 8 ở vùng biển, ven biển; trên vùng biển Cà Mau – Kiên Giang chịu ảnh hưởng của một số cơn bão với những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác hải sản và các hoạt động kinh tế khác trên vùng biển. Trong mùa mưa cũng thường có những đợt nắng hạn kéo dài (hạn Bà Chằng) làm tăng sự nhiễm mặn cho những vùng sản xuất luân canh một vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Lượng mưa phân bố không đều trong các tháng và có sự khác biệt giữa các khu vực trong, ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. Ảnh: Ngọc Thu.
Về cơ bản, khí hậu trong tỉnh ôn hòa, ít khắc nghiệt hơn các vùng khác, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhưng cũng cần chú ý các điểm sau:
+ Yếu tố mưa phân mùa là cơ sở để tỉnh quy hoạch sản xuất luân canh 01 vụ lúa trên đất nuôi tôm trong mùa mưa, nhưng trong điều kiện chưa chủ động về thủy lợi nên khi gặp hạn, lúa bị chết do bị nhiễm mặn.
+ Trong mùa mưa, có những trở ngại cho đời sống dân cư và thi công các công trình giao thông, xây dựng dân dụng; nhưng đối với vùng quy hoạch ngọt hóa ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh trong mùa khô hoạt động xây dựng cũng gặp khó khăn do không vận chuyển vật liệu xây dựng đến chân công trình được vì phải đắp đập ngăn mặn.
Khí hậu ở tỉnh Cà Mau ôn hòa, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Thu.
+ Trong mùa khô, nắng hạn kéo dài làm tăng nguy cơ cháy rừng tràm, nhất là những vùng rừng tràm có than bùn; nắng hạn cũng làm cho độ mặn nước sông và trong đầm nuôi tôm tăng cao (có khi lên đến trên 40%o) làm cho tôm nuôi chậm lớn và dễ phát sinh dịch bệnh.
+ Những diễn biến phức tạp về thời tiết trên vùng biển đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác thủy hải sản, đe dọa an toàn cho ngư dân, làm giảm hiệu quả các chuyến khai thác biển.
(Nguồn: Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau)