Rừng U Minh Hạ, mũi Cà Mau, Làng nghề chế biến khô cá Sông Đốc, hòn Đá Bạc, khu du lịch Khai Long là những nơi không nên bỏ qua khi tới Cà Mau.
Cà Mau là vùng đất tận cùng của Tổ quốc với ba mặt chủ yếu giáp biển, nơi toát lên vẻ trữ tình, bình yên và mộc mạc của mảnh đất miền Tây Nam Bộ. Tới đây, du khách được thăm cột mốc tọa độ quốc gia, ngắm rừng, biển, ngắm ráng chiều giữa vùng trời biển bao la. Dưới đây là những điểm du khách không nên bỏ qua khi tới thẳm tỉnh thành cuối cùng của đất nước.
Rừng U Minh Hạ
Rừng U Minh Hạ nằm trải dài trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An, Khánh Bình Tây Bắc và Trần Hợi của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Du lịch rừng U Minh, lênh đênh trên chiếc xuồng, du khách có dịp tìm hiểu hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng với nhiều loại động thực vật phong phú; tận hưởng không khí trong lành với những cánh rừng tràm xanh ngát.
Thưởng thức bữa ăn đậm chất Miền Tây Nam bộ thời khai hoang trong rừng U Minh Hạ cũng là cảm giác khó quên với du khách khi đến đây. Cá lóc nướng chui cuốn bánh tráng; lẩu mắm ăn cùng rau choại, đọt xoài, rau đắng đất, rau tàu bay; gỏi nhộng ong… đều là những đặc sản của mảnh đất này.
Món ăn đậm chất miền Tây. Ảnh: Văn Đum
Mũi Cà Mau
Mũi Cà Mau nằm ở xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Đây là mảnh đất nhô ra phía biển Đông ở cực Nam của Tổ quốc, mang ý nghĩa linh thiêng khi là điểm tận cùng đất nước. Đất Mũi thu hút bởi vị trí đặc thù, nơi vừa có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và mặt trời lặn ở hướng Tây tại cùng một địa điểm trên đất liền.
Đến với Đất Mũi, du khách được tham quan cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng tiểu cảnh pano hình tượng chiếc thuyền căng gió, con tàu của đất nước hướng ra biển khơi. Bất cứ du khách nào tới đây cũng không quên ghi lại một bức ảnh chạm tay vào mốc tọa độ và chụp hình bên biểu tượng mũi Cà Mau.
Mũi Cà Mau là nơi du khách check in khi đến đây. Ảnh: Huỳnh Như
Làng nghề chế biến khô cá Sông Đốc
Năm nào cũng vậy, từ tháng 10 âm lịch, các làng nghề bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị các mặt hàng cung ứng cho thị trường Tết. Nghề làm cá khô ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời phát triển gắn liền với đánh bắt thủy sản.
Có dịp ghé qua thăm làng khô, du khách được tận mắt theo dõi quá trình làm khô của làng nghề. Người dân chuẩn bị cho mẻ khô mới từ công đoạn sơ chế, tẩm ướp gia vị đến phơi khô.
Làng nghề khô Sông Đốc. Ảnh: Văn Đum
Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc là một cụm đảo nằm gần sát bờ, gồm 3 hòn: hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Điểm thu hút nhất của địa danh này những hòn đá nằm cạnh nhau, xếp thành từng lớp với các hình thù lạ mắt như bàn tay tiên, giếng tiên, bàn chân tiên…
Ngoài tham quan cảnh đẹp, tắm biển, du khách còn được tìm hiểu và khám phá cuộc sống của người dân nơi đây, trải nghiệm cạy hàu, câu cá nâu, câu cá ngát, câu mực… thưởng thức hải sản vừa được đánh bắt.
Khu du lịch Khai Long
Khai Long là một trong những điểm du lịch sinh thái ven biển thu hút của Cà Mau. Nơi đây có bãi cát dài, hàng dương xanh mát, mặt biển dịu êm, bốn bề là hệ sinh thái rừng ngập mặn, tạo nên không gian thoáng mát, thích hợp để thư giãn nghỉ ngơi. Từ biển Khai Long, du khách còn có thể ngắm trọn cụm đảo hòn Khoai xinh đẹp.
Tuyết Yến