Chuẩn bị cho hành trình trên biển
Mặc dù khá bận rộn và đã được đồng nghiệp đi trước chia sẻ: “tối giản mọi thứ, kể cả trang phục mang đi sao cho lịch sự, thuận tiện và phù hợp cho nhiều hoạt động ở cả trên tàu và trên đảo” nhưng tôi vẫn hồ hởi, háo hức cho công tác chuẩn bị hành trang trước khi lên đường.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm với các thành viên trong đoàn công tác đến từ Bộ tư lệnh Hải quân trước khi tàu rời bến |
Tôi nằm trong danh sách đoàn số 15, khởi hành vào đầu tháng 5 khi cả nước vừa kết thúc dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Đoàn công tác số 15 của chúng tôi có hơn 220 đại biểu, là các cán bộ thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Đắc Lắc và Nghệ An, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và 15 nhà báo, đến từ các cơ quan báo đài ở Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Gia Lai, Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Có lẽ say sóng là điều đáng “ngại” nhất đối với nhiều người trong đoàn công tác ra đảo. Để trấn an tâm lý cũng như hy vọng nếu có say sóng thì giảm tối đa cảm giác “dập dềnh” tôi đã mua 10 chai thuốc chống say tàu xe. Cô bé bán thuốc dặn “chị nhớ uống trước khi lên tàu xe 30 phút, thuốc này chỉ có tác dụng trong 8h, sau đó chị phải uống tiếp”. Nhìn 10 chai thuốc trong tay, tôi vẫn lo chưa đủ dùng trong suốt hành trình 7 ngày đêm trên biển.
Xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), tôi được các cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đón về nhà khách X52 của một đơn vị hải quân nằm trong quân cảng Cam Ranh (Khu căn cứ quân sự Cam Ranh). Theo mọi người, được ra Trường Sa đã là một vinh dự và may mắn, còn được “ngủ” ở trong quân cảng Cam Ranh thì phải nói là “cực kỳ may mắn”.
Ở cùng nhà khách với tôi là các văn nghệ sỹ, phóng viên của Báo Vietnam.net, VTV1, Báo Hải quân. Phòng khách của quân đội mặc dù khá đơn sơ nhưng sự tiếp đón của các “lính trẻ” hết sức chu đáo và nhiệt tình. Ngay trong bữa cơm đầu tiên của “lính” tôi đã có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với các thành viên khác trong đoàn, trong đó cũng có người đã từng đến với Trường Sa.
Hàng năm Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân tổ chức nhiều chuyến tàu đưa các đoàn dân, chính, Đảng ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-1 |
Được biết, hàng năm Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đều tạo điều kiện để các phóng viên báo chí theo các đoàn công tác ra thăm và làm việc với quân và dân trên đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-1. Nhưng với số lượng hơn 20.500 nhà báo được cấp thẻ hiện nay thì không phải ai cũng có cơ duyên được tham gia chuyến công tác đặc biệt này.
Phát huy kỹ năng và kinh nghiệm làm báo
Xuất phát tại Cảng quốc tế Cam Ranh vào sáng ngày 3 tháng 5 trên con tàu mang số hiệu 571 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho những hải trình trên biển.
Trong hành trình 7 ngày, đoàn chúng tôi được đến với 6 đảo nổi và đảo chìm cùng một nhà giàn, mỗi điểm đến chúng tôi chỉ có từ 2-3h đồng hồ để tác nghiệp. Do vậy, các phóng viên đều cố gắng làm sao để lên được chuyến xuồng đầu tiên vào đảo.
Các nhà báo và văn nghệ sĩ họp về lịch trình tại các đảo, Nhà giàn DK-1, nội dung tuyên truyền và phương thức tác nghiệp |
Tận dụng khoảng thời gian ở trên tàu, tôi đã gặp nói chuyện và phỏng vấn các thủy thủ, sỹ quan cũng các đại biểu đi cùng đoàn để nghe họ nói về cảm nhận và chia sẻ những câu chuyện của mình về Trường Sa.
Lần đầu tiên tác nghiệp trong một không gian đặc biệt, hầu như những suy nghĩ, dự định ban đầu và cả những câu hỏi phỏng vấn được chuẩn bị trước đó đã chẳng có “đất sử dụng”, bởi những gì thực tế được thấy, được nghe và trải nghiệm trên tàu, trên đảo khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Điều đó khiến tôi thay đổi toàn bộ dự định ban đầu về nội dung định hướng trước đó.
Bên cạnh những câu chuyện kể của các nhân vật, điều khiến tôi ngạc nhiên và ấn tượng nhất có lẽ chính là những vườn rau xanh mơn mởn và cả những khu chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy hoạch bài bản ở các đảo chìm và đảo nổi tôi được dừng chân.
Hệ thống năng lượng mặt trời, điện gió, vườn rau xanh trong chương trình Xanh hóa Trường Sa tại các đảo: Đá Đông A, Sinh Tồn, Trường Sa lớn |
Cùng với đó là hệ thống năng lượng mặt trời, điện gió ở các đảo. Được biết, Chương trình Xanh hóa Trường Sa gồm các hoạt động: Trồng cây xanh, phát triển nguồn thực phẩm tại chỗ, xây dựng và phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái… đã được Quân chủng Hải Quân xây dựng thành Đề án đi kèm với đó là công trình nghiên cứu khoa học để chương trình đi vào thực tiễn.
Một nguồn tư liệu nữa giúp cho các phóng viên trên tàu, đó là thông qua các bản tin được phát trên tàu vào 21h hàng ngày. Các nhà báo chúng tôi phân công nhau thực hiện, mỗi nhà báo sẽ có trách nhiệm làm một bản tin về hoạt động của đoàn công tác diễn ra trong ngày, 2 nhà báo của Đài truyền hình Khánh Hòa được chọn làm phát thanh viên của chương trình.
Nếu như ở trên bờ, khi tác nghiệp, đằng sau phóng viên có cả một e kíp thực hiện nhưng trên tàu, phóng viên phải đảm nhận tất cả công đoạn viết tin, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên… Qua chuyến đi này tôi thêm nhiều kinh nghiệm tác nghiệp ở môi trường biển, đảo.
Phỏng vấn Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên cụm đảo Đá Tây |
Khác hẳn với điều kiện tác nghiệp ở đất liền, các nhà báo khi tác nghiệp tại Trường Sa gặp khó khăn hơn vì điều kiện nắng gió. Ở trên tàu hay lên đảo thì họ lúc nào cũng trong cảm giác bồng bềnh theo những con sóng của biển nhưng vẫn phải chạy và chạy mới kịp “chớp” được những khoảnh khắc đẹp.
Nếu “chậm chân” xuống xuồng vào đảo, thì chắc chắn khó mà chụp được những bức ảnh đẹp và đồng nghĩa cũng chẳng có nhiều thời gian để gặp gỡ, phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ trên đảo bởi thời gian đoàn công tác ghé vào các đảo rất nhanh, lịch trình làm việc dày đặc.
Các phóng viên ghi hình, phỏng vấn người dân sinh sống tại đảo Sinh Tồn |
Chính vì điều kiện như vậy, dù say sóng, say cả đất liền nhưng khi lên đảo, các nhà báo đã không bỏ sót bất cứ cơ hội nào trong chuyến hải trình, họ đều cố gắng thể hiện cảm xúc của mình qua mỗi thước phim, hình ảnh, bài viết và cả những vần thơ đong đầy cảm xúc.
Nhưng với tôi có lẽ ấn tượng nhất là hình ảnh Lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh ở Quần đảo Trường Sa và Lễ chào cờ duyệt binh trên đảo Trường Sa lớn. Chuyến đi của chúng tôi đúng vào dịp cả nước chào đón ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm ngày chiến thắng điện Biên Phủ.
Được tham dự lễ chào cờ đầy ý nghĩa và trực tiếp chạm tay vào cột mốc chủ quyền tại Trường Sa, một cảm giác vừa thân thương vừa xúc động, từng cành cây ngọn cỏ từng rặng san hô đều mang hơi thở của biển cả, của quê hương và của hình hài đất nước.
Từng tác nghiệp nhiều lần dưới chân Cột cờ Lũng Cú, địa đầu cực Bắc, hay đất mũi Cà Mau (cực Nam) của tổ quốc và cả tại Đại Lãnh – Mũi Điện và Bến Tàu không số ở Phú Yên nhưng hôm nay tôi càng tự hào và xúc động khi đứng trước Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ nơi trùng khơi, biển đảo của Tổ quốc.
Từ trái qua phải từ trên xuống dưới, ảnh: Đoàn công tác số 15 thực hiện nghi Lễ chào cờ, diễu binh tại đảo Trường Sa lớn, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Quần đảo Trường Sa và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa lớn |
Dù ở vùng núi non trập trùng địa đầu tổ quốc (Lũng Cú) hay nơi sóng gió Trường Sa, tôi tin rằng mỗi người khi đã đến đều cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước luôn thấm đẫm trong tâm hồn. Ở đâu cũng là quê hương, được xây dựng, vun đắp từ xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước.
Chuyến hải trình dài 7 ngày rồi cũng kết thúc. Những cuộc gọi, những dòng tin nhắn từ đảo xa vẫn hàng ngày gửi về khiến Trường Sa vẫn như đang ở bên tôi. Quả thật, Trường Sa không hề xa.
Nguồn: https://www.vietnam.vn/7-ngay-tac-nghiep-o-truong-sa/