Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Giao Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về điều kiện sức khỏe của người lái xe, người lái xe máy chuyên dùng; quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.
Quy định cấm tuyệt đối “mang tính kế thừa”
Trước khi Quốc hội thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Trong đó nêu rõ nhiều ý kiến nhất trí quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu. Một số ý kiến khác đề nghị đưa hai phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quy định trên không phải là nội dung mới mà được kế thừa quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không tiếp tục quy định sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại.
Cùng với đó đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức tiền bạc của Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định này và một số đại biểu Quốc hội đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất. Vì vậy, tổng thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến, kết quả đại đa số nhất trí với quy định này là cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Trên cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi Quốc hội biểu quyết, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) khẳng định quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn không phải mới mà được kế thừa từ các luật khác.
Sau thời gian thực hiện nghị định 100 dần đã hình thành nếp văn hóa tham gia giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Tất cả hướng đến mục tiêu bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Đến nay, theo bà, điều này đã được luật hóa trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp lý.
“Để luật sớm đi vào cuộc sống, ngay sau đây Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan được giao nhiệm vụ trong luật nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các quy định thuộc thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện các điều khoản” – bà Thu nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nói quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Để quy định này sớm đi vào cuộc sống, nhất là sau khi luật có hiệu lực, bà Nga cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục về quy định này với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đồng thời không chỉ hướng đến tuyên truyền mà phải hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi lối sống khoa học, lành mạnh, không lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích.
Cùng với đó thực hiện nghiêm quy định xử phạt các trường hợp vi phạm một cách nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù là ai.
Bên cạnh đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành các quy định về cấm nồng độ cồn. Kèm theo đó tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về cấm tuyệt đối nồng độ cồn…
Bộ Y tế xác định nồng độ cồn nội sinh
Liên quan băn khoăn về nồng độ cồn nội sinh, đại biểu Trần Khánh Thu nói luật mới đã giao Bộ Y tế quy định về việc xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người lái xe mà trong máu có cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
Như vậy khi có các quy định hướng dẫn, cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết áp dụng thực hiện.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cam-tuyet-doi-nong-do-con-lam-gi-de-quy-dinh-di-vao-cuoc-song-20240627224527474.htm