Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định quy trình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy và phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bộ Công an cho biết, Thông tư số 40/2015/TT-BCA ngày 24/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Công an nhân dân sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý ban hành Thông tư số 40/2015/TT-BCA đã thay đổi.
Qua 8 năm thực hiện, Thông tư số 40/2015/TT-BCA có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều vấn đề mới, như: Một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mới được trang cấp để phát hiện vi phạm hành chính nhưng chưa được quy định kiểm định, hiệu chuẩn trong lực lượng Công an nhân dân; Số lượng các vụ việc phát hiện vi phạm hành chính bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ngày càng lớn nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân.
Vì vậy, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an thay thế Thông tư số 40/2015/TT-BCA là cần thiết.
Dự thảo Thông tư quy định các nội dung cơ bản như sau:
– Thẩm quyền, nội dung và hồ sơ tập huấn việc sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy và phòng, chống tác hại của rượu, bia.
– Đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
– Quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
– Thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
– Thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
– Kiểm định, hiệu chuẩn và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu chuẩn hoặc phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi được sử dụng.
Quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Dự thảo quy định, đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, gồm Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Thanh tra Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Trưởng Công an cấp huyện); Trưởng phòng nghiệp vụ hoặc tương đương thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Công an cấp tỉnh) gồm: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảnh sát cơ động; Chánh thanh tra Công an cấp tỉnh; Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động.
Ngoài ra còn có Đội nghiệp vụ; Trạm, Đồn Công an; Công an xã, Công an phường, Công an thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã).
Về quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thì cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và quy định của Bộ Công an về quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân.
Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị phục vụ phát hiện vi phạm hành chính và các thiết bị kèm theo trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình sử dụng, nếu có hư hỏng, sự cố không thể sử dụng được, phải đăng ký, báo cáo về Bộ Công an (qua các Cục nghiệp vụ theo hệ lực lượng) để theo dõi. Phòng nghiệp vụ thuộc Công an cấp tỉnh tập hợp báo cáo theo hệ lực lượng của Công an địa phương.
Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi có quyết định, kế hoạch được phê duyệt của người có thẩm quyền quy định tại Điều 12 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lập kế hoạch định kỳ hằng tháng về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trình người có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp sử dụng đột xuất, đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền.
Căn cứ kế hoạch sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hằng tháng được phê duyệt, đơn vị quản lý sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lập và triển khai kế hoạch sử dụng theo tuần, ca công tác.
Quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và quy chuẩn (nếu có).
Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (bao gồm cả dữ liệu thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) phải được giao, nhận theo kế hoạch công tác; việc giao, nhận được ghi chép trong sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Đặc biệt, không được tự ý xoá hoặc làm thay đổi dữ liệu trong các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Trường hợp bộ nhớ trong, thẻ nhớ ngoài của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã đầy dữ liệu không lưu trữ được nữa thì người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ báo cáo người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành chuyển dữ liệu vào máy tính nghiệp vụ để lưu trữ theo quy định. Sau khi đã lưu trữ dữ liệu vào máy tính, mới được tiến hành xoá dữ liệu trong phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thẻ nhớ ngoài; việc xóa dữ liệu phải được lập biên bản ghi nhận.
Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa đi kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa hoặc có dấu hiệu hư hỏng, gặp sự cố (kể cả thẻ nhớ ngoài), phải tiến hành ngay việc lưu trữ dữ liệu vào máy tính nghiệp vụ; lập biên bản ghi nhận việc lưu trữ.
Công an các đơn vị, địa phương được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư này, phải thực hiện theo các quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong các quy trình công tác của hệ lực lượng.
Đối với quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và quy định sau đây:
Công an các đơn vị, địa phương quy định trên có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực được giao quản lý và thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
Việc thống kê, theo dõi, xử lý dữ liệu được thực hiện trên môi trường điện tử khi đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ thông tin.
Tuệ Minh