Trung tâm nghiên cứu Đổi mới công nghệ blockchain Trung Quốc (NBTIC), được Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phê duyệt vào tháng 2.2023, đã chính thức ra mắt. Trung tâm sẽ do Học viện nghiên cứu Điện toán biên và Blockchain Bắc Kinh (BABEC) dẫn dắt. Trước mắt, mục tiêu của trung tâm là hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các công ty blockchain để phát triển công nghệ sổ cái phân tán (DLT) và dự kiến đào tạo 500.000 chuyên gia công nghệ.
Theo Zheng Zhiming – giáo sư tại Đại học Beihang (BMSS), trung tâm sẽ giúp kết nối các cách sử dụng blockchain khác nhau trong nước thành hệ thống duy nhất. Dong Jin – Giám đốc Trung tâm Đổi mới Công nghệ Blockchain Trung Quốc, cho biết blockchain sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật và độ tin cậy của dữ liệu, đồng thời tăng cường an ninh cho nền kinh tế kỹ thuật số.
Khi nhắc đến blockchain, người ta hay nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ này vào tiền số. Tuy nhiên cả hai đều là các thực thể riêng biệt, điều quan trọng cần biết là ngoài tiền số, blockchain có thể được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, y tế, giáo dục, các dịch vụ tài chính và xác minh danh tính.
Blockchain có thể lưu trữ dữ liệu an toàn hơn cách truyền thống. Nhờ blockchain, dữ liệu luôn sẵn sàng khi người dùng cần, kể cả khi một nút (node) bị lỗi. Công nghệ này sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại quốc tế, giải quyết thách thức về quy định giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Theo SCMP, Trung Quốc đã ban hành kế hoạch 5 năm xác định blockchain là một trong bảy lĩnh vực phát triển chính cho nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2021. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) và Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cũng cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách ứng dụng blockchain rộng rãi trong nhiều ngành vào năm 2030.
Sự ra mắt của NBTIC là bước phát triển mới nhất trong kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc sử dụng blockchain trong công nghiệp. Công nghệ blockchain được kỳ vọng sẽ phục vụ các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm thương mại xuyên biên giới, tài chính chuỗi cung ứng, năng lượng, an ninh sản xuất và chế biến thực phẩm.