Trước quy chế mới về tuyển sinh THCS, THPT vừa mới được ban hành của Bộ GDĐT, nhiều phụ huynh tại TP.HCM bày tỏ sự hoang mang khi đã cho con đi học thêm từ đầu năm nhưng “bỗng dưng” Bộ lại cấm thi vào lớp 6.
Cụ thể, sáng ngày 8/1, Bộ GDĐT đã công bố quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trong đó quy định, từ năm 2025, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, không được tổ chức thi, kể cả với trường chất lượng cao. Đối với những nơi có đông học sinh và tỷ lệ chọi cao như TP.HCM, điều này khiến không ít phụ huynh, học sinh lo lắng và hụt hẫng vì đã bỏ không ít tâm huyết ôn thi.
Cấm thi vào lớp 6 khiến nhiều phụ huynh hoang mang vì tâm lý mong con được vào được trường “top”
Dù cả hai vợ chồng đều bận đi làm, thế nhưng, từ đầu năm học lớp 4, vợ chồng chị Nguyễn Như Lan (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chưa để con phải nghỉ buổi học thêm nào. Tất cả là bởi gia đình chị đều mong con có thể học tập ở một trong những ngôi trường tốt nhất trên địa bàn.
Để thực hiện mong muốn đó, mỗi tháng, chị Lan tốn khoảng 5 triệu để cho con đi học thêm ở lò luyện thi.
“Tôi rất bất ngờ khi biết thông tin về quy chế thi mới. Mới chỉ 2 ngày trước, tôi vẫn đọc được thông tin về phương thức tuyển sinh lớp 6 tại TP.Thủ Đức và rất yên tâm, vậy mà nay đã có tin cấm thi vào lớp 6 từ Bộ” – chị Lan tâm sự.
Cũng như chị Lan, gia đình anh Nguyễn Tuấn Kiệt (Tân Bình, TP.HCM) đang cho con ôn luyện để thi vào trường THCS THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1). Như mọi năm, chỉ còn khoảng 6 tháng nữa là đến thời gian trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, vậy nhưng giờ đây theo quy định mới, các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 đã bị cấm.
Anh Kiệt rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không biết nên tiếp tục cho con ôn luyện để chờ đợi những diễn biến tiếp theo, hay dừng lại để có định hướng khác.
“Bạn nhỏ nhà mình rất ngoan, chăm chỉ học hành. Tuy nhiên, bạn cũng có khuyết điểm là chỉ thích học mà không thích tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào tại trường. Nếu không tổ chức xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực như mọi năm mà bằng hình thức xét học bạ cộng thêm các chứng chỉ, khả năng vào được trường của con sẽ thấp hơn” – anh Kiệt nói.
Khác với chị Lan và anh Kiệt, chị Phạm Bảo Ngọc (quận 7) mặc dù có định hướng cho con vào Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ nhưng lại không cho con ôn luyện thêm ở những lò luyện thi. Theo chị, kiến thức con học ở trường đã đủ để con có thể tự tin bước vào đợt kiểm tra đánh giá năng lực của trường. Bên cạnh đó, chị cho rằng cấp 1 là độ tuổi quan trọng để con phát triển các kĩ năng mềm, thay vì chỉ dành thời gian cho việc học văn hóa.
Chính bởi tâm lý như vậy ngay từ ban đầu, nên chị Ngọc không quá bất ngờ trước thông tin của Bộ.
Chị Ngọc chia sẻ: “Ở trường, con vẫn đạt thành tích học tập tốt, bên cạnh đó vì con thích học Tiếng Anh nên tôi cho con tham gia khóa học và đã có chứng chỉ Tiếng Anh. Đồng thời, con cũng được học thêm những kỹ năng mềm như làm MC, hay tham gia các chương trình từ thiện xã hội cùng mẹ. Chính vì như thế nên con rất năng động, hoạt bát, và tôi tự tin con có thể phát triển tốt”.
Phụ huynh nên bình tĩnh và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng
Trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM cho biết sẽ đề xuất vẫn tuyển học sinh vào lớp 6 bằng bài thi khảo sát. Tuy nhiên, để có thông tin cụ thể hơn, Sở cần phải xây dựng các phương án theo thông tư. Bên cạnh đó còn nhiều giai đoạn lấy ý kiến và trình Ủy ban.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng GDĐT TP.Thủ Đức cho biết hiện tại phòng vẫn đang chờ chỉ đạo từ cấp trên.
Ông Nguyên thông tin, năm học trước TP.Thủ Đức có 3 trường tổ chức làm bài khảo sát đánh giá năng lực để xét tuyển học sinh vào lớp 6 bao gồm: THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư và THCS Bình Thọ.
Trước tâm lý lo lắng của phụ huynh, ông Nguyên cho biết: “Năm ngoái, chỉ tiêu của mỗi trường chỉ từ 245 đến 315 học sinh, thế nhưng số lượng đăng ký xét tuyển mỗi trường khoảng 1.000 học sinh. Tuy nhiên, học sinh hoàn toàn không phải học thêm vẫn có thể làm tốt bài khảo sát đánh giá năng lực này”.
Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng đến việc phát triển học sinh toàn diện về phẩm chất năng lực, ông Nguyên cho rằng học sinh chỉ cần học tốt trên lớp là đủ kiến thức để bước sang cấp học tiếp theo.
“Bài khảo sát đánh giá năng lực sẽ cho thấy tư duy của học sinh. Nếu không có tư duy tốt, chỉ học vẹt ở các lò luyện, học sinh sẽ không làm được bài nếu câu hỏi chỉ thay đổi một chút” – ông Nguyên nói.
Riêng tại TP.Thủ Đức, ông Nguyên nhấn mạnh những giáo viên nằm trong đội ngũ ra đề hoàn toàn không được dạy thêm. Nếu phát hiện, phòng sẽ ngay lập tức có biện pháp xử lý kịp thời. Chính vì thế, những thầy cô ôn luyện tại các lò luyện thi chưa chắc chắn là người nắm rõ được nội dung của đề.
Cuối cùng ông Nguyên thông tin, cha mẹ không cần quá lo lắng, bởi nếu con có đủ năng lực nhất định sẽ được chọn vào ngôi trường phù hợp.
Nguồn: https://danviet.vn/cam-thi-vao-lop-6-hoc-sinh-va-phu-huynh-co-nen-hoang-mang-20250109191029911.htm