Nữ sinh Đà Lạt vừa đi học, vừa nhặt ve chai kiếm tiền vào đại học và khẳng định “vừa đi học vừa kiếm tiền có gì phải xấu hổ” đã khiến bạn đọc thương mến, cảm phục. Hàng chục lời động viên đã gửi đến Thúy.
Rất nhiều cảm xúc đã được bạn đọc chia sẻ với câu chuyện tân sinh viên Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi, sinh viên khoa Luật học của Trường đại học Đà Lạt), nhân vật trong bài viết “Nữ sinh Đà Lạt đi học buổi nào cũng lượm về cả bao ve chai: ‘Có gì đâu xấu hổ'” trên Tuổi Trẻ 27-10.
Học được sự lạc quan và nhìn thấy tương lai của cô gái nghị lực
Trước khi trở thành sinh viên, Thúy có 12 năm liền là học sinh giỏi trong sự ngưỡng mộ của bè bạn. Rời sách vở, cô theo mẹ đi nhặt ve chai, đi mót rau ở những khu vườn đã thu hoạch hoặc rau dại mọc trên đất bỏ hoang để mang ra chợ bán.
Để có tiền đi học, mỗi buổi đến trường, Thúy mang theo bao nhặt đầy ve chai quanh trường và không chút tự ti, mặc cảm “vừa học vừa kiếm tiền có gì đâu mà xấu hổ” – Thúy suy nghĩ.
Năm 2021, mẹ Thúy bị tai biến khi đang mang thai. Nghèo khó đã thành cơ cực với gia đình Thúy. Thúy là chị cả phải đóng vai người mẹ trong nhà để phụ bố chăm sóc các em. Khó cực trăm bề, Thúy vẫn nỗ lực để đỗ vào Trường đại học Đà Lạt với điểm số thuyết phục.
Sợ Thúy tủi thân vì lao động lam lũ, không có cuộc sống như bạn bè, bạn đọc Thanh viết những dòng nhắn nhủ gởi cho nữ sinh Đà Lạt này thông qua Tuổi Trẻ: “Đúng ra còn phải tự hào con nhé! Đồng tiền chân chính là thước đo nhân cách”.
Cùng cảm xúc, bạn đọc Son viết: “Cố gắng nha con gái, sau này sẽ thành công. Không dễ ai dám làm điều đó. Chúc con luôn khỏe”. Bạn đọc Nguyễn Thanh Vân dàinh nhiều hy vọng cho Thúy: “Sau này các bạn giờ sung sướng phải ngước nhìn cô bé nhặt ve chai này đó”.
Đọc câu chuyện, bạn đọc Tranh chia sẻ: “Thúy làm tôi nhớ lại mình đi quét vôi tường, đi bồi bàn suốt mấy năm. Ráng lên bạn trẻ, bình thường của cuộc sống mà”.
Bạn đọc Trân nhìn sâu vào nội lực của Thúy và tin rằng cô gái này sẽ có một tương lai tươi sáng. Trân viết: “Rất hay, rất tuyệt vời, rất cảm động về một cô gái nhỏ bé nhưng có một ý chí và nghị lực phi thường, không ngừng vươn lên trong cuộc sống nghèo khổ. Trong tương lai, cô gái này biết đâu sẽ trở thành một tỉ phú nổi tiếng thì sao. Mọi người hãy quan tâm giúp đỡ cô bé này nhé”.
Bạn đọc Danh nhìn nhận ở Thúy một sức mạnh đủ để vượt qua những thử thách của cuộc đời: “Con gái rất biết nghĩ, nghị lực và tình cảm. Rất thương con và trân trọng những gì con đã, đang và sẽ làm. Cuộc đời khó khăn thử thách, nhưng tin rằng con sẽ vượt qua và hạnh phúc. Hãy luôn giữ những tố chất quý báu mà con đang có con gái ha, con là một viên ngọc quý đó”.
Bạn đọc Trân mong những bạn trẻ khác nhìn vào Thúy để có thểm năng lượng đi tới: “Hy vọng những em học sinh vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. Chỉ có vượt qua nghịch cảnh để khẳng định chính mình thì đó mới là những người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm”.
Bạn đọc Quý, từng là sinh viên được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ, chia sẻ: “Bạn nhỏ thật tuyệt vời! 15 năm trước mình cũng là sinh viên Trường đại học Đà Lạt và cũng được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”. Giờ cuộc sống của mình đã thực sự rất ổn.
Mình vẫn trân trọng giữ gìn giấy chứng nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ. Thực sự cảm ơn quý báo, cảm ơn nhà tài trợ đã tiếp sức cho bao bạn nhỏ như mình được tiếp tục tới trường”
Thúy được miễn giảm học phí và mẹ được hỗ trợ y tế
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017), hiện sống tại Đà Lạt, đã đến nhà tân sinh viên Nguyễn Thị Thúy để thăm Thúy và mẹ cô.
Qua thăm khám, bác sĩ Hiếu cho rằng mẹ cô (bà Bùi Thị Liên) sẽ hồi phục được 90% so với người bình thường nếu thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện.
“Việc phục hồi cho bà Liên không khó. Tôi sẽ hỗ trợ gia đình chăm sóc y tế, thuốc men. Sức khỏe Thúy hiện cũng không tốt, người nhỏ và thiếu dinh dưỡng cần thiết. Nếu để tình trạng như hiện nay kéo dài thì sẽ không ổn cho Thúy. Tôi cũng sẽ hỗ trợ Thúy cải thiện sức khỏe. Tôi có dặn gia đình, thường xuyên sắp lịch để tôi khám và hỗ trợ chăm sóc cải thiện sức khỏe”, bác sĩ Hiếu nói.
Về trường hợp tân sinh viên Nguyễn Thị Thúy, ông Lê Minh Chiến – hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt – cho biết: “Tôi sẽ quan tâm đặc biệt đến em sinh viên này để em có điều kiện học tập tốt. Nhà trường sẽ xét cấp học bổng khi đến kỳ hạn cũng như miễn giảm học phí. Nhờ báo Tuổi Trẻ thông tin đến sinh viên để em chủ động liên hệ đến nhà trường khi gặp khó khăn cần tháo gỡ”.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cam-phuc-nu-sinh-da-lat-luom-ve-chai-co-gi-dau-xau-ho-nhin-vao-thuy-thay-tuong-lai-202410281101555.htm