Tôi đến gặp PGS.TS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào ngày ông “khai đao” đầu xuân Tân Sửu (ngày 12 tháng Giêng năm Tân Sửu), ngay trong phòng mổ.
Sau khi đổi trang phục giống hệt một phụ mổ thực thụ, tôi bước vào khu phẫu thuật của Bệnh viện Nội tiết Trung ương với lời dặn với theo của cô thư ký: “Chị đi các phòng mổ nhìn xem. Sếp em đi đôi dép màu tím hồng”.
Trong phòng mổ, các bác sĩ đều đồng loạt mặc trang phục màu xanh, đeo khẩu trang che kín mặt, đeo kính mổ, đầu chùm mũ, tay đeo găng. Bộ phận hở duy nhất trên thân thể các bác sĩ chỉ có đôi bàn chân đi dép đồng phục xanh. Nếu chỉ đi “nhìn mặt” thì khó mà nhận ra được ai với ai.
Nhưng giữa những đôi dép màu xanh, tôi không khó tìm thấy một đôi dép “chói lóa” màu tím hồng trong phòng mổ. Một đôi dép độc nhất, “văn nghệ sĩ”, “nữ tính” nhất dành cho người đàn ông có đôi bàn tay vàng: PGS.TS Trần Ngọc Lương.
Sau khi xem phim chụp, kiểm tra hồ sơ bệnh án, hỏi về tiểu sử bệnh của bệnh nhân, PGS Lương nhanh chóng cầm lấy dao mổ. Ca đầu tiên ông “khai đao” trong năm Tân Sửu là một bệnh nhân nam còn rất trẻ nhưng đã bị bệnh trọng. Mới 23 tuổi nhưng bệnh nhân này đã bị ung thư tuyến giáp, cần phải bóc tách khối u.
Đầu Xuân, tôi thật may mắn khi một lần nữa được “mục sở thị” PGS Lương biểu diễn kỹ thuật “Dr Lương” nổi tiếng trên toàn thế giới. Kỹ thuật mà ông đã thực hiện hàng nghìn lần, “thuộc như cháo chảy”. Chỉ từ 3 lỗ nhỏ như hạt lạc ở nách và ngực, những thiết bị dùng trong phẫu nội soi được đưa vào vùng cổ một cách khéo léo. Con dao cắt dưới đôi tay của PGS Lương giống như “có mắt”, “có hồn”, luồn lách một cách chính xác tìm đến khối u cần bóc tách.
Dưới màn hình lớn, con dao như nghe theo sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Trần Ngọc Lương, “nhảy múa” một cách có hồn. Luồn lách, bóc tách đến đâu, tia la de lập tức “hàn” luôn vết thương, do đó hầu như không có máu chảy trong khoang cổ. Có thể thấy người bệnh giảm bớt sự tổn thương, đau đớn đến nhường nào.
Chỉ trong vòng 25-30 phút, ông đã bóc tách thành công khối u, trả cho thanh niên một vùng cổ “sạch bóng”. “Đây là ca ung thư thực quản nhưng khối u còn nhỏ, nằm trong bọc nhầy nên bóc tách được hoàn toàn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành xạ trị và cơ hội khỏi hoàn toàn là rất lớn”, bác sĩ Lương chia sẻ.
Như vậy, ca phẫu thuật “khai đao” đầu Xuân mới của bác sĩ Lương đã thành công mỹ mãn, trả lại cho bệnh nhân tuổi đời còn đang rất trẻ kia một mùa Xuân mới đầy hy vọng.
Cởi áo mổ đã bẩn, bác sĩ Lương lại tiếp tục đi sang một phòng mổ khác có bệnh nhân cũng đang đợi ông phẫu thuật. Tại đây, một bệnh nhân nữ mới 14 tuổi đã từng bóc tách khối u tuyến giáp và nay lại phải đến nạo vét lần nữa để làm sạch tất cả các nguy cơ. Lần này, do tính chất của ca bệnh nên các bác sĩ phải mổ mở.
Từ vết mổ, bác sĩ Lương đã chỉ cho tôi xem những bộ phận quan trọng của vùng cổ như dây thần kinh quặt ngược chỉ bé như cái tăm và tuyến cận giáp bằng hạt đỗ xanh.
“Đây là những bộ phận quan trọng nếu như cắt nhầm thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Ví như cắt phải dây thần kinh quặt ngược thì bệnh nhân sẽ nói khàn khàn như ống bơ rỉ cả đời. Còn cắt mất tuyến cận giáp, bộ phận có chức năng điều hòa can xi trong cơ thể thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tê chân tê tay, khó thở, thậm chí tay chân co quắp.
Trong khi mổ cũng phải lưu ý không cắt vào những mạch máu nhỏ li ti như sợi tóc. Vì nếu cắt vào mạch máu, máu trào ra, nhìn không rõ, rất dễ có nguy cơ dao mổ cắt vào những bộ phận quan trọng. Đó là chưa kể đến việc điều khiển dao không tốt có thể làm thủng thực quản…”, bác sĩ Lương chỉ dẫn.
Ở ca phẫu thuật nội soi nhìn trên màn hình lớn còn thấy các bộ phận này khá to nhưng nhìn bằng mắt thường tôi thực sự ngỡ ngàng, không hiểu làm thế nào để con dao mổ sắc lẻm không cắt nhầm. Vậy mà đôi bàn tay của bác sĩ Lương cứ thoăn thoắt điều khiển lưỡi dao, luồn lách, bóc tách các bộ phận nhuần nhuyễn, dễ dàng như “ăn kẹo”. Khó có thể tưởng tượng ông đã phải dùng bao nhiêu giờ cầm dao mổ miệt mài để đạt được “thượng thừa” như ngày hôm nay.
Nhìn bác sĩ Lương “phát sáng” dưới ánh đèn mổ, đôi bàn tay “vàng” điêu luyện thuần thục cắt gọt, đôi mắt như “hút” vào vết mổ, đôi chân vững vàng trong đôi dép màu tím hồng trứ danh, tôi thực sự thấm thía câu châm ngôn: “Nhân tài là 1% năng khiếu bẩm sinh và 99% nỗ lực khổ luyện”. Sự khổ luyện này không phải ai cũng làm được, cũng vượt qua được để đạt tới đỉnh cao…
PV: Điều gì đã thúc đẩy ông sáng tạo nên kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mà hiện nay được cả thế giới vinh danh “Kỹ thuật Dr Lương”, được hàng chục nước trên thế giới học tập và làm theo?
– PGS.TS Trần Ngọc Lương (cười): Nhiều người trêu tôi là sáng tạo ra kỹ thuật này là do quá yêu phụ nữ, yêu cái đẹp. Có làm trong lĩnh vực phẫu thuật tuyến giáp mới hiểu được nỗi đau của những cô gái trẻ khi gặp các vấn đề tuyến giáp phải mổ. Vết sẹo dài 10-15 cm khiến nhiều chiếc cổ kiêu sa, xinh đẹp vĩnn viễn không được phơi ra ánh sáng, dù là mùa đông hay mùa hạ.
Có cô gái đã khóc ngất khi nhìn thấy vết sẹo trên cổ mình. Có người lo sợ chồng sẽ bỏ khi thấy “con rết gớm giếc bò trên cổ vợ”. Có chị em nhìn những chiếc áo cổ tim đầy uất hận, hờn ghen. Lại có người vì sợ sẹo mà trì hoãn phẫu thuật, đến lúc bệnh nặng thì điều trị khó khăn, thậm chí bỏ mạng…
Tôi chữa được bệnh cho họ nhưng lại khiến họ gặp nỗi đau đớn, nỗi buồn khác… Tại sao lại như vậy?
“Con đường” tìm ra kỹ thuật “Dr Lương” đã phải trải qua những khó khăn, vất vả như thế nào? Ông có gặp nhiều chướng ngại vật không?
– Nhiều lắm. 20 năm trước, nội soi tuyến giáp là điều gì đó vô cùng viển vông và không tưởng, là nhiệm vụ bất khả thi. Lúc đó, kỹ thuật nội soi ổ bụng khá phát triển nên mọi người đều biết, muốn nội soi được phải có khoảng trống để đưa các dụng cụ nội soi vào. Do đó, với phẫu thuật nội soi ổ bụng, ngực thì chỉ cần bơm hơi vào là phẫu thuật được.
Còn tuyến giáp ở vùng cổ trước, bị bao bọc bởi khí quản, thực quản, các bó cơ, thanh quản, tuyến cận giáp, dây thần kinh quặt ngược… là một vùng không có khoảng trống. Hơn nữa, các bộ phần này cũng rất nhỏ, rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sảy là có thể gây tổn thương lâu dài cho người bệnh, thậm chí như tôi nói trong phòng mổ, người bệnh có thể bị co rút, mất tiếng nói…
Khi tôi manh nha ý tưởng dùng kỹ thuật nội soi để phẫu thuật tuyến giáp, không ít các chuyên gia y tế, các “tay dao” kỳ cựu đã khuyên tôi đừng viển vông, phí tâm sức, đó là điều “bất khả thi”. Còn lúc tôi báo cáo khoa học, các thầy bảo: “Làm sao mà làm được, không thể mổ được nội soi tuyến giáp, đừng viển vông”.
Tuy bị phản đối nhưng tôi vẫn làm vì đó là điều có lợi cho bệnh nhân.
Cuối cùng, tôi đã làm được và làm một cách “xinh đẹp”.
Kỹ thuật “Dr Lương” đã được thực hiện thế nào? Đã khắc phục được những điều “bất khả thi” bằng cách nào thưa ông?
– Khó khăn lớn nhất chính là “tạo khoảng trống” trong vùng cổ để các ống nội soi hoạt động. Có 2 kỹ thuật để “tạo khoang”. Cách thứ nhất là dùng khung treo. Người ta tách lớp da trước cổ rồi treo lên tạo khoảng trống để nội soi. Nhưng kỹ thuật này phải dùng kỹ thuật chuyên biệt, khá khó.
Tôi đã chọn cách dùng khí CO2 bơm vào vùng cổ để vùng da cổ phồng lên tạo ra khoang trống. Hơn nữa, khí CO2 khi bóc tách, khí len lỏi vào các tổ chức làm cho mình dễ làm hơn, mình có thể làm rõ trên màn hình để cắt, đốt các mạch máu thuận tiện hơn.
Đây là những cơ quan lân cận quan trọng bắt buộc phải đảm bảo an toàn. Cắt bỏ khối u, giữ được các tạng lân cận an toàn thì mới được coi là phẫu thuật tuyến giáp thành công. Và điều quan trọng không kém là giữ được vẻ đẹp cho những người phẫu thuật tuyến giáp, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Là người tiên phong thực hiện kỹ thuật nội soi tuyến giáp, thậm chí trên thế giới còn chưa có ai làm. Vậy ông làm thế nào để thuyết phục người bệnh “giao cổ”, giao sức khỏe, tính mạng của họ để cho ông thực hiện “lần đầu tiên”?
– Tôi đã kiên trì giải thích để họ thấy được cái lợi của kỹ thuật này và đã có người đồng ý. Họ mong muốn bệnh khỏi nhưng cũng muốn giữ được vẻ đẹp sau này của mình. Điều quan trọng là tôi khẳng định có thể đảm bảo an toàn cho bệnh nhân nên tôi mới quyết tâm mổ.
Đương nhiên, để có được ca nội soi tuyến giáp đầu tiên thành công tôi đã phải luyện tập rất nhiều.
Ở Việt Nam không có trung tâm mổ xác tươi nên khá là khó cho việc luyện tập các kỹ thuật phẫu thuật lần đầu tiên. Như ở Thái Lan, khi tôi sang giảng kỹ thuật nội soi tuyến giáp cho bác sĩ ở đây, có thể phẫu thuật trên xác tươi nên rất dễ để họ nắm bắt được kỹ thuật.
Quay lại thời đó, để chuẩn bị cho ca mổ nội soi tuyến giáp đầu tiên, có một thời gian dài tôi đã làm những cải tiến trên kỹ thuật mổ mở tuyến giáp mà tôi vẫn thực hiện hàng ngày. Cộng với kinh nghiệm phẫu thuật ổ bụng trước đây khi tôi còn làm ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã nắm vững được kỹ thuật. Do đó, các ca nội soi tuyến giáp đầu tiên đã được thực hiện thành công.
Nhưng do còn chưa tinh thông “đường” nên hồi đó tôi “đi” chậm lắm. Mỗi ca nội soi tuyến giáp mất đến 3-4 giờ đồng hồ. Tôi làm thật chậm, phải chắc chắn về nơi “hạ đao” tôi mới dám cắt. Nhờ đó mà đã không xảy ra tai biến gì.
Giờ thì sau hàng nghìn ca mổ, tôi đã “thuộc” làu đường đi nước bước rồi. Nhờ đó, mỗi ca mổ tôi chỉ thực hiện mất 20-30 phút.
Tháng 7/2019, Kỹ thuật Dr Lương được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao chứng nhận “Người có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong và ngoài nước nhiều nhất”. Đây cũng là kỷ lục đầu tiên của ngành y tế Việt Nam. Theo ông tại sao kỹ thuật Dr Lương lại được ứng dụng nhiều như vậy?
– Như tôi đã phân tích ở trên, kỹ thuật nội soi tuyến giáp thay vì rạch 1 đường dài 8-12cm ở cổ thì nay chỉ cần trích 3 vết nhỏ ở nách và ngực để luồn ống nội soi vào. Khi vết mổ liền, vết sẹo chỉ còn bằng hạt lạc nhỏ và mờ dần. Phương pháp này đáp ứng các tiêu chí nhanh, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Ở các nước, họ phẫu thuật nội soi tuyến giáp bằng kỹ thuật riêng biệt khá đắt đỏ và không cần thiết. Tôi đã cải tiến kỹ thuật, chỉ cần dùng các ống nội soi ổ bụng thông thường mà bất cứ bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện nào cũng có.
Do đó, giá thành phẫu thuật đã giảm xuống chỉ còn bằng 1/25 so với nhiều nước trên khu vực. Một ca mổ cắt thùy tuyến giáp tại Hàn Quốc hoặc Singapore tiến hành trong 2 giờ, chi phí khoảng 8.000-10.000 USD (180-230 triệu đông), còn tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân chỉ mất 30 phút là phẫu thuật xong với chi phí 300-400 USD (7-9 triệu đồng).
Hơn nữa, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp áp dụng được cho tất cả bệnh lý của tuyến giáp như bướu nhân, basedow, ung thư tuyến giáp, có thể mổ được những bướu lớn mà không cần phải cắt bất cứ cơ cổ trước nào. Nhờ khả năng ứng dụng cao, giá rẻ, phẫu thuật nhanh, hiệu quả lớn nên kỹ thuật này ngày càng được ứng dụng nhiều hơn.
Hiện kỹ thuật nội soi tuyến giáp này đã được các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí 1 số tuyến huyện cũng đã làm được.
Ông đã chuyển giao kỹ thuật “máu mủ” của mình cho hàng nghìn người, cũng thực hiện hàng nghìn ca nội soi tuyến giáp rất suôn sẻ. Có yếu tố may mắn nào ở đây không thưa ông?
– Không có sự may mắn nào trên tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân cả. May mắn chỉ là khi bệnh nhân đi khám sớm, được phát hiện kịp thời, khối u chưa di căn nên việc bóc tách dễ dàng. May mắn chỉ là khi các cơ quan tổ chức ở tuyến giáp không có sự phát triển bất thường nào, khối u nằm ở vị trí dễ nên việc phẫu thuật suôn sẻ hơn.
Còn kỹ thuật nội soi tuyến giáp, dù tôi đã làm “nhoay nhoáy”, thuộc bài như “cháo chảy” nhưng trong phẫu thuật luôn có tình huống bất thường mà bác sĩ phẫu thuật luôn phải biết cách xử lý. Ví như dây thần kinh quặt ngược nó không quặt ngược lại đổ thẳng không tìm thấy, dễ cắt phải, hay như sơ sểnh cắt đứt mạch máu nhỏ như sợi tóc khiến máu chảy, không nhìn được các bộ phận khác, gây tổn thương…
Một bác sĩ để phẫu thuật thành thục phải hiểu được vị trí, giải phẫu, biết tách các bộ phận khác để bóc đúng khối u.
Cho dù đã nắm “tuyến giáp” trong lòng bàn tay thì tôi vẫn luôn phải cảnh giác, sẵn sàng cho mọi tình huống mỗi khi bước vào một ca mổ.
Vừa là bác sĩ phẫu thuật vừa quản lý bệnh viện, ông thấy “vai” nào chịu nhiều áp lực hơn?
– Bác sĩ phẫu thuật phải chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Chúng tôi luôn phải giữ cái đầu lạnh để xử lý mọi tình huống bất trắc nhưng vẫn phải giữ trái tim nóng để cảm thông, để đau nỗi đau của bệnh nhân. Đòi hỏi của bệnh nhân ngày càng cao hơn, yêu cầu về ngành y ngày càng hoàn hảo hơn. Bác sĩ phẫu thuật nói riêng và nhân viên y tế nói chung đều phải chịu áp lực không ngỏ.
Còn khi làm lãnh đạo bệnh viện thì tôi còn phải chịu trách nhiệm về hàng chục nghìn bệnh nhân, đời sống cơm áo của hàng nghìn cán bộ công nhân viên. Nhất là khi bệnh viện phải tự chủ tài chính, “kiếm cơm” cho hàng nghìn người không phải dễ. Nhiều khi đau đầu lắm. (cười)
Ông đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề y, còn lựa chọn chuyên ngành phẫu thuật vô cùng vất vả. Điều gì thúc đẩy ông lựa chọn ngành mà hơn 40 năm trước chẳng “hot” như vậy?
– Năm tôi học lớp 9, khi đó là năm 1973-1974 gì đó, tôi đã có cơ hội được đi từ quê Nam Định lên Hà Nội chơi. Đi tàu qua Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã nhìn thấy hình ảnh một bác sĩ người Tây và 1 bác sĩ Việt Nam mặc blu trắng, đeo ống nghe nói chuyện ở sân Bệnh viện. Tôi đã thấy hình ảnh đó đẹp biết bao và nhớ mãi. Đến lúc thi Đại học, tôi định thi khối A, nhưng một câu bạn cùng trọ đã rủ tôi đi thi khối B. Nhớ lại hình ảnh bác sĩ đẹp đẽ năm nào, tôi đã liều mạng đi thi. Cậu bạn đó không đỗ còn tôi lại đỗ vào Đại học Y Hà Nội.
Vậy là tôi bước lên hành trình trở thành bác sĩ. Sau này ra trường, tôi về đúng Bệnh viện Bạch Mai làm việc với vai trò là bác sĩ phẫu thuật ổ bụng. Đến năm 2001, tôi chuyển sang Bệnh viện Nội tiết Trung ương và trở thành bác sĩ phẫu thuật tuyến giáp… Và tôi đã dành hết trí lực của mình cho các công trình nghiên cứu về phẫu thuật tuyến giáp…
Dường như tôi vô tình nhưng nghề y đã lựa chọn tôi và “đun đẩy” tôi trở thành bác sĩ vậy.
Nghề y thực sự vất vả, tiêu hao cả trí tuệ, thời gian, sức lực của mỗi bác sĩ. Ông có từng hối hận vì mình đã chọn nghề y?
– Chưa từng bao giờ. Không phải tôi chọn nghề mà nghề y đã chọn tôi. Nhờ đó mà tôi như “cá gặp nước”, có thể phát huy hết năng lực của mình, tạo được những thành tựu như bây giờ, giúp cứu sống được nhiều người.
Nếu tôi chọn nghề khác chưa chắc tôi đã làm được điều gì đó nổi bật. Lúc nào tôi cũng cảm thấy may mắn vì nghề y đã chọn đúng tôi.
Cuối tháng 12/2020, tại lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới mà ông được vinh danh, ông đã nói lời cảm ơn vợ vì đã chia sẻ, hỗ trợ để ông có được thành công như ngày hôm nay. Lời cảm ơn vô cùng xúc động đó khiến “nửa thế giới” hờn ghen. Ông có thể chia sẻ thêm về gia đình của mình?
– Như các bạn biết, để nghiên cứu về một kỹ thuật mới, để thuần thục được nó, tôi phải dành rất nhiều thời gian, sức lực của mình cho công việc. Mỗi người đều có 24h. Nếu tôi dành thời gian, trí lực nhiều cho công việc có nghĩa tôi phải xao nhãng việc gia đình. Nhưng suốt 30 năm nay, vợ tôi không hề oán thán.
Cô ấy làm tốt nhiệm vụ điều dưỡng ở bệnh viện, về nhà lại lặng thầm chăm sóc chồng con, giúp tôi thanh thản, an tâm để lo nghiên cứu, lo phẫu thuật. Chứ gia đình không yên ổn thì chẳng ai có thể an tâm. Thành công của tôi ngày hôm nay có sự đóng góp âm thầm nhưng vô cùng quan trọng của cô ấy.
Được biết hai con trai của ông đều học kỹ thuật, không theo nghề y của bố, ông có nuối tiếc không?
– Tất nhiên là có nuối tiếc một chút nhưng biết làm sao được. Có thể một nghề nào đó sẽ chọn con tôi và cho chúng cơ hội để bộc lộ hết năng lực của mình. Giống như nghề y đã chọn tôi vậy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!