Năm 2023, ngành TT&TT có nhiều điểm nhấn với chủ đề “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Bộ TT&TT đã tập trung hoàn thiện đồng bộ và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới, ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.
Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN. Hạ tầng số được phát triển đồng bộ phục vụ chuyển đổi số quốc gia và dẫn dắt phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tiến tới phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định năm 2023 là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
Trên tinh thần đó, năm 2023 dữ liệu số đã phát huy hiệu quả, mà cụ thể là đề án 06 đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Việc cơ sở dữ liệu dân cư được sử dụng vào nhiều dịch vụ công như cấp đổi bằng lái xe, hộ chiếu… online đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo Bộ TT&TT, nếu như năm 2020 mới có 10 triệu giao dịch kết nối chia sẻ dữ liệu, thì đến năm 2023 trung bình 1 ngày có 2 triệu giao dịch kết nối chia sẻ dữ liệu. Nhờ đó, đã có 528 thủ tục hành chính được đơn giản hoá, người dân chỉ phải khai báo một lần ví dụ như thủ tục sử dụng Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đã giảm thời gian từ 10 phút trước đây xuống còn dưới 10 giây. Thủ tục đăng ký mới doanh nghiệp, đã giảm từ 4 thủ tục riêng biệt mất 16 ngày xuống còn 1 thủ tục duy nhất mất trung bình 6 ngày.
Năm 2023 được đánh giá là năm mà ngành TT&TT hoàn thiện các thể chế mạnh mẽ nhất để đảm bảo hành lang pháp lý cho các hoạt động trên không gian mạng và xây dựng hạ tầng số.
Cụ thể, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 22/6/2023. So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật mới mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội; tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật Viễn thông nhìn rộng ra sẽ tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, hướng tới xã hội số, công dân số.
Tại buổi giao ban quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý Quý 1/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhắc lại những nhiệm vụ quan trọng của ngành, với tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”: “Năm 2023 là năm nâng cao chất lượng làm thể chế. Bộ TT&TT phải sửa nhiều luật, nghị định. Cái gì mới đưa vào là phải đúng xu thế, phù hợp bối cảnh Việt Nam, khả thi, tạo ra sự phát triển, tạo ra sự quản lý tốt hơn. Cái gì đưa vào mà không khả thi thì hoặc cản trở phát triển, hoặc không quản lý được thì nhờn pháp luật, hoặc mâu thuẫn thì gây ra lộn xộn. Đã làm thì phải làm thật chắc tay, mà phải là người đứng đầu trực tiếp tham gia làm thể chế”.
Năm 2023, người dân đã được thụ hưởng nhiều từ chuyển đổi số và các nền tảng số Make In Viet Nam. Người dân có thể làm thủ tục ở sân bay nhanh chóng chỉ cần có smartphone đã cài ứng dụng VneID hay có thể cấp đổi hộ chiếu online nhanh chóng. Nhiều địa phương đã xây dựng ứng dụng cho công dân số trên di động để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của các cơ quan nhà nước mọi nơi, mọi lúc.
Chữ ký số cũng được phổ cập đến người dân thông qua việc tích hợp trên hệ thống của chính quyền để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chuyển đổi số của Việt Nam đã thực sự trở thành toàn dân và toàn diện. Mục tiêu phổ cập số luôn được xác định là trọng tâm. Chúng ta đã có gần 100.000 Tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số.
Bộ TT&TT cũng đã đưa ra lộ trình tắt sóng 2G để phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam, đưa người dân lên môi trường số.
Năm 2023 được cho là năm bùng nổ nạn lừa đảo, đánh bạc, tín dụng đen… trên không gian mạng và vấn nạn cuộc gọi rác gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bộ TT&TT đã liên tục đưa ra chính sách quyết liệt để làm “sạch” thông tin thuê bao, hiển thị số của các cơ quan công quyền khi liên hệ với người dân để tránh các đối tượng lừa đảo.
Từ ngày 31/3/2023, các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó, khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân. Trong lần chuẩn hóa này đã có hàng triệu thuê bao đăng chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã xây dựng khung pháp lý trong các Luật giao dịch điện tử, Luật Viễn thông (sửa đổi)… để bảo vệ người dân an toàn trên không gian số.
Ngày 23/6, Bộ TT&TT phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” giúp người dân nhận diện, phát hiện 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Đặc biệt, thông điệp Anti Fake News đã được rất nhiều nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng thông qua việc đặt hashtag trên bài đăng. Đến ngày 20/11, đã có gần 1,5 triệu video gắn hashtag Anti Fake News trên nền tảng TikTok, đạt số lượt xem lên đến hơn 5 tỷ lượt.
Những động thái mạnh mẽ của Bộ TT&TT cũng như các bộ ngành liên quan nhằm đảm bảo cho người dân lên môi trường số an toàn, lành mạnh.
Năm 2023, lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn khi thu hút sự hiện diện của những tập đoàn hàng đầu thế giới của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đã đầu tư những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp… Cụ thể, tháng 10/2023, Amkor Technology – Tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới có trụ sở tại Arizona đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên được thực hiện vào cuối năm 2023.
Bên cạnh các dự án nước ngoài, Việt Nam cũng có một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như FPT Semiconductor, Viettel… Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.
Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
Chủ trương phát triển Nền tảng số Make in Viet Nam bắt đầu từ 2019 và đến năm 2022 có hơn 40 nền tảng. Số lượng người dùng nền tảng số Việt Nam năm 2023 đã tăng 46,2%. Hết năm 2023, đã có trên 60 nền tảng số Việt Nam có trên 1 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Tổng số tài khoản của người dùng trên các nền tảng này khoảng 160 triệu tài khoản. Trong đó, 3 nền tảng khối Nhà nước có người sử dụng nhiều là: VNeID, VSSID, Đoàn Thanh niên có tổng số hơn 60 triệu người dùng.
Trong năm 2023, các hoạt động kinh tế truyền thống của Việt Nam có tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng không cao. Một không gian tăng trưởng mới cho Việt Nam trong tương lai đó chính là kinh tế số.
Theo báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Co, Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế số khu vực Đông Nam Á. Báo cáo cho thấy tổng khối lượng hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022 và dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2025, 90 – 200 tỷ USD năm 2030. Trong đó, GMV thương mại điện tử đóng góp khoảng 16 tỷ USD, vận tải và thực phẩm 3 tỷ USD, du lịch trực tuyến 5 tỷ USD và giải trí trực tuyến 5 tỷ USD trong năm nay.
Phát biểu tại phiên họp chuyên đề “Phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực” của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số” diễn ra ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Phát triển kinh tế số Việt Nam thì phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số”.
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I vừa diễn ra giữa tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số Việt Nam đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%.
Trước một không gian phát triển mới của đất nước, Bộ TT&TT đã đưa ra thông điệp mới trong năm 2024 đó là “Phổ cập hạ tầng số và ứng dụng số để phát triển kinh tế số – Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Năm 2023, công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên; góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách nhằm chủ động cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến báo chí và người dân.
Tháng 3/2023, Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Lần đầu tiên một hệ thống truyền thông chính sách được thiết lập từ Trung ương đến tận tuyến xã. Chỉ thị nêu rõ truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Cả nước hiện có khoảng 12.542 người phát ngôn từ cấp xã, phường thị trấn đến cấp Trung ương.
Năm 2023, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra toàn diện một nền tảng xuyên biên giới lớn ở Việt Nam là TikTok. Nhiều bộ, ban, ngành cùng vào cuộc kiểm tra, chia sẻ trách nhiệm quản lý nền tảng xuyên biên giới. Đây cũng là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới áp dụng công nghệ rà quét tự động với quảng cáo. Ngoài ra, Bộ TT&TT yêu cầu các nền tảng không bật kiếm tiền với trang, kênh có nội dung vi phạm để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo nuôi dưỡng trang, kênh vi phạm pháp luật.
Ngày 6/4/2023, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Năm 2023, Liên minh Bưu chính Thế giới đã công bố bảng xếp hạng chỉ số tích hợp phát triển bưu chính. Việt Nam được xếp trong nhóm 6/10, tăng một cấp độ so với năm 2022.
Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về Bưu chính năm 2023 để trao đổi, thảo luận về công tác quản lý nhà nước về bưu chính tại địa phương, về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo tổ chức giám sát 20 doanh nghiệp bưu chính lớn để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh thị trường bưu chính.