Tối 28/2, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Theo đó, Cam Lâm sẽ phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính – trí tuệ, đổi mới sáng tạo toàn cầu; trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; đô thị có môi trường sống chất lượng cao; có hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Đô thị mới Cam Lâm còn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho quốc gia.
Cam Lâm có tính chất là đô thị sân bay tầm quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo mang tầm quốc gia, tương tác tiệm cận quốc tế. Đồng thời là trung tâm sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ. Tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính và thương mại – dịch vụ, giáo dục đào tạo và các viện nghiên cứu chế tạo ứng dụng công nghệ cao.
Đô thị mới Cam Lâm có vai trò là hạt nhân trong sáng tạo, phát triển kinh tế số của tỉnh Khánh Hòa và là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
Phát triển đô thị mới Cam Lâm sẽ theo 4 trục động lực, 7 phân khu, gồm: Trục hành lang cao tốc Bắc – Nam sẽ liên kết cảng Cam Ranh, sân bay Cam Ranh với hệ thống hạ tầng quốc gia. Trọng tâm phát triển các đồng mối trung chuyển, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải thông minh đa phương tiện.
Trục ven biển Bãi Dài sẽ liên kết từ sân bay Cam Ranh đến TP Nha Trang. Trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí biển đảo.
Trục cảnh quan nước sẽ liên kết không gian nước từ vịnh Cam Ranh, qua đầm Thủy Triều đến sông Trường, suối Cầu, suối Cát…
Trục trung tâm đô thị sẽ từ cửa ngõ đô thị đến trung tâm khu vực Bãi Dài. Trọng tâm phát triển tập trung các chức năng mũi nhọn cấp vùng và cấp đô thị.
Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm dự kiến thực hiện trong hai phân kỳ. Ước toán tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khoảng 320.000 tỷ đồng, với mục tiêu xây dựng, phát triển Cam Lâm thành cực tăng trưởng phía nam tỉnh Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ; góp phần đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy hoạch này, đô thị mới Cam Lâm có tổng diện tích tự nhiên hơn 54.700 ha (không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều), bao gồm tất cả 14 đơn vị hành chính của huyện Cam Lâm.
Về dự báo dân số, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 320.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 224.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Quy mô dân số đến năm 2045, khoảng 770.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 639.780 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 83%.