Việc khởi công dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô là bước tiến mới quan trọng. Người dân kỳ vọng dự án sớm hoàn thiện, đi vào khai thác theo đúng tiến độ, hoàn thành sứ mệnh cải thiện hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối, tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội và các địa phương trong khu vực.
Lập kỷ lục giải phóng mặt bằng
Có thể nói, giải phóng mặt bằng, nhất là ở các thành phố lớn, luôn là khâu khó khăn nhất khi bắt tay vào triển khai các dự án. Song thách thức với việc giải phóng mặt bằng ở dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội còn lớn hơn khi diện tích phải thu hồi, giải phóng mặt bằng trên địa bàn rất lớn với gần 800ha, trải dài qua địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín); phải bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ bị ảnh hưởng đất ở bởi dự án.
Thế nhưng, chỉ một năm kể từ khi Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án công trình trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã đạt hơn 80%, riêng TP Hà Nội đạt 84%, vượt tiến độ, bảo đảm điều kiện khởi công dự án.
Để có được kết quả này, theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-vùng Thủ đô, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đường Vành đai 4 tại TP Hà Nội, ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, TP Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương. TP Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì làm việc với các địa phương để thành lập ngay Ban chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, 3 tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo riêng để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.
Các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, thiết bị trên các phạm vi đã được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công dự án. Ảnh: PHÚ SƠN |
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đó là thành quả của việc phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, với tinh thần lấy kết quả thực hiện dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của thành phố. Cùng với đó, thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cơ sở với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện.
Đặc biệt, để có được kết quả này, một yếu tố quan trọng tiên quyết không thể không nhắc tới, đó là Dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô là một trong số ít dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhất. Đây là dự án đầu tiên ở Hà Nội được Chính phủ cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập, bảo đảm việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước. “Từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, TP Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã hiện thực hóa quyết tâm thực hiện Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội thành các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án. Sự ủng hộ, quyết tâm của người dân được thể hiện rất cụ thể, đó là sự tự giác, tự nguyện chủ động bàn giao đất cho thành phố. Ngay cả khi phần đất đó liên quan đến phần mộ của người thân, của dòng họ.
Cam kết tiến độ
Dự án đã khởi công đúng hẹn, song để dự án về đích đúng tiến độ, còn khối lượng lớn công việc và nhiều việc khó vẫn đang chờ. Điển hình như phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện, khiếu nại; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải… Cùng với đó là thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng tác động của các điều kiện thời tiết.
Báo cáo về kế hoạch triển khai thi công và cam kết tiến độ, chất lượng dự án đường Vành đai 4, đại diện các nhà thầu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Đào Ngọc Thanh cho biết, đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, chiều dài khoảng 23km (từ Km13+17,92 đến Km36+166,74). Đây là gói thầu xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội. Giá trị trúng thầu là 1.816 tỷ đồng; thời gian thực hiện là 1.080 ngày.
“Với tinh thần làm việc “tận tâm vì giá trị thật” của tất cả cán bộ, nhân viên, các nhà thầu thi công, tư vấn, chúng tôi cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị máy móc, áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để hoàn thành phần việc được giao. Vinaconex cam kết sẽ triển khai dự án bảo đảm chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ hợp đồng, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô Hà Nội, công trình hoàn thành để chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ TP Hà Nội, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, ông Đào Ngọc Thanh khẳng định.
VŨ DUNG