Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong việc chuyển đổi xanh?
– Những nỗ lực và cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 thực sự rất tuyệt vời. Việt Nam phấn đấu đạt Net Zero vào năm 2050. Các công ty của châu Âu hào hứng để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này, bao gồm có Net Zero, công trình xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…Để đạt được các công trình xanh ở Việt Nam, tôi nhìn thấy tiềm năng và cơ hội để các công ty châu Âu có thể hỗ trợ ở rất nhiều mảng và chúng tôi thực tế đang triển khai nhiều dự án.
Có thể nói, cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh dấu một cột mốc quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, năng lực để thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.
Ông nhận định tầm quan trọng của việc xây dựng các nhà máy xanh ở Việt Nam ra sao?
– Phát triển bền vững và xanh sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các dòng vốn trực tiếp quốc tế (FDI). Hơn nữa, về cơ bản việc áp dụng các công nghệ xanh mới là yếu tố cốt lõi để Việt Nam có thêm nguồn vốn phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực công trình bền vững, Việt Nam nên làm gì để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, thưa ông?
– Trong thiết kế công trình xanh, ưu tiên lớn nhất là chúng tôi cố gắng cắt giảm việc sử dụng năng lượng. Chỉ khi chúng ta cắt giảm bớt được nhu cầu thì mới có thể hướng tới sử dụng năng lượng bền vững. Nếu Việt Nam theo được các tiêu chuẩn cao của EU, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với các công ty của châu Âu.
Làm thế nào thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh và bền vững?
TS Nguyễn Ngọc Hưng – Viện Năng lượng, Bộ Công Thương – cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là thay đổi hành vi và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Để đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần phải có các thay đổi về hành vi sử dụng năng lượng. Những thay đổi căn bản về hành vi sử dụng có hiệu quả lớn về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Những giải pháp thay đổi hành vi điển hình bao gồm: điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hợp lý, giảm sử dụng nước nóng quá mức, sử dụng giao thông công cộng thay thế xe cá nhân, tăng tuổi thọ các công trình xây dựng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm tiêu thụ vật liệu nung trong các công trình xây dựng, chuyển đổi giao thông hàng không sang tàu điện tốc độ cao…
Bên cạnh thay đổi hành vi sử dụng năng lượng, rất nhiều các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà, phương tiện, thiết bị dân dụng, công nghiệp đã sẵn sàng hiện nay và có thể tăng cường quy mô áp dụng rất nhanh. Tiết kiệm năng lượng đem lại lợi ích kép giảm chi phí sử dụng năng lượng và giảm đầu tư vào hạ tầng cung cấp năng lượng. Do đó, các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng cần được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích, thị trường năng lượng.