Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, kể từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện xử lý, bán phế liệu, sung vào công quỹ.

Đến nay, đã bước sang năm thứ 16, các loại xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh vẫn lưu thông trên đường.

Xe tự chế gây tai nạn thương tâm

Khoảng 5h30 ngày 12/1, anh N.T.N. (22 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển xe máy mang BKS 29AA- 044.XX đi trên đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm). Đến gần cột đèn chiếu sáng số T2/51, xe của anh N. va chạm với xe ba bánh không có biển số, kéo theo bó sắt (gồm 180 thanh sắt phi 12 dài gần 12m) do anh Đ.V.T. (quê tại Yên Ý Yên, Nam Định) điều khiển đi phía trước.

Vụ tai nạn giao thông khiến anh N.T.N. tử vong tại chỗ.

413333975 674036414938924 8963696643028128604 n.jpg
Chiếc xe tự chế bị tạm giữ sau vụ tai nạn giao thông trên đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm)

Trước đó, chiều 25/12/2023, tại Km1842+500 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn Đức An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe công nông và xe máy khiến 1 người tử vong. 

Thời điểm xảy ra tai nạn, anh T.X.T. (39 tuổi, trú tại huyện Đắk Mil) điều khiển xe công nông lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, hướng Đắk Nông – Đắk Lắk.

Xe công nông đến địa điểm trên xảy ra va chạm với xe máy do ông H.Q.B. (66 tuổi, trú tại huyện Đắk Mil) điều khiển, lưu thông theo hướng ngược lại. Cú va chạm khiến ông B. ngã xuống đường tử vong tại chỗ.

anh man hinh 2024 01 18 luc 175324.png
Tai nạn giao thông giữa xe công nông và xe máy khiến 1 người tử vong tại tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Báo Giao thông)

Gần 1 tháng trước, ngày 7/11, tại giao lộ 3 Tháng 2 (phường 10, quận 10, TP.HCM), một người phụ nữ chạy xe máy đã va chạm với xe xích lô do người đàn ông khoảng 65 tuổi cầm lái, chở theo nhiều vật liệu, thanh sắt. Người phụ nữ này tử vong tại chỗ.

Dùng xe tự chế vì đường quá nhỏ?

Gắn bó với nghề lái xe lôi chở hàng hóa hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Thơ (trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, bản thân anh nhận thức được việc điều khiển xe tự chế là mất an toàn giao thông nhưng không có phương tiện để thay thế.

“Tôi chuyên chở tấm ván gỗ công nghiệp. Chuyến nhiều thì chở hơn chục tấm, chuyến ít chỉ vài ba tấm. Nếu thuê ô tô chở thì chi phí quá đắt đỏ. Thêm vào đó, nhiều khi tôi phải giao hàng đến các ngõ ngách nhỏ trong các quận trung tâm Hà Nội, ô tô không thể vào được”, anh Thơ cho biết.

W-xe-cong-kenh-8-copy-3.jpg
Chiếc xe mà anh Nguyễn Văn Thơ dùng để chở tấm gỗ công nghiệp

Cũng gắn bó với nghề lái xe tự chế đã nhiều năm, anh T. (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, 100% các cửa hàng bán vật liệu xây dựng đều phải dùng xe công nông, xe 3- 4 bánh để chở hàng.

“Đặc thù khách hàng của các cửa hàng bán vật liệu xây dựng nhỏ lẻ là hộ cá nhân, công trình xây dựng trong ngõ ngách nhỏ. Dùng xe công nông để chở sẽ tiện lợi hơn”, anh T. nói.

W-xe-tu-che-2.jpg
Xe công nông chở cát trên đường Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội)
W-xe-tu-che-1-1.jpg

Cũng theo anh T., xe công nông loại này chở được 1 – 2m3 cát, chi phí đầu tư khoảng 20 – 30 triệu đồng/ xe, mỗi cửa hàng chỉ cần có từ 2 -5 xe là đủ phục vụ khách hàng.

Anh T. mong muốn, cơ quan chức năng nghiên cứu có cơ chế cho các loại xe này hoạt động để đảm bảo an toàn giao thông vì nhu cầu của người dân là rất lớn.

Xử lý xe công nông, xe tự chế gặp nhiều khó khăn

Là quận đi đầu trong việc xử lý xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn TP Hà Nội, Công an quận Thanh Xuân gặp phải nhiều khó khăn khi xử lý người điều khiển phương tiện này.

Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, người điều khiển các loại phương tiện này tìm mọi cách để trốn tránh cơ quan chức năng.

“Có những người điều khiển phương tiện quay đầu bỏ chạy khi thấy công an hay phản ứng gay gắt, chây ì với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, ban đầu chúng tôi thuyết phục để họ hiểu được quy định của pháp luật và kiên quyết xử lý”, vị Trưởng Công an quận Thanh Xuân nói.

W-xe-cong-kenh-tu-che-copy-1.jpg
Hàng loạt xe tự chế bị Đội CSGT số 6 xử lý

Cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý xe tự chế, Trung tá Phạm Văn Chiến- Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT TP Hà Nội) cho biết, do giá trị của các loại xe này không lớn nên nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ xe khiến kho bãi tạm giữ bị quá tải.

“Quá trình xử lý các loại xe này cán bộ, chiến sĩ CSGT gặp khó khăn khi xác định nguồn gốc phương tiện bởi phần lớn các xe đều được lắp ráp, chế lại từ nhiều xe khác nhau”, Trung tá Phạm Văn Chiến cho biết.