Theo dõi những hiện tượng rất tồi tệ về văn hóa học đường gần đây, tôi nhớ đến 2 sự việc mà mình được chứng kiến liên quan đến ứng xử giữa thầy với trò trong nhà trường và cái uy của nhà giáo.
Sự việc thứ nhất, xảy ra năm 2002, khi đó tôi đang là sinh viên thực tập tại trường học. Đến tiết được phân công giảng dạy, tôi lên lớp, nhưng không vào được lớp. Bởi vì, học sinh đã khóa cửa, nhốt một giáo viên khác ở trong phòng.
Giáo viên bị nhốt đang gào khóc, còn học sinh thì hò hét bên ngoài, biểu lộ sự hả hê khi thấy cô giáo vốn ghê gớm, chua ngoa ấy khuất phục, sợ đến phát khóc. Chúng nói “cho chừa đi”!
Sự việc thứ 2, xảy ra năm 2017, trong chuyến tôi công tác thực tế tại trường học. Lúc tôi đang phỏng vấn hiệu trưởng thì có tiếng ồn ào bên ngoài. Hiệu trưởng vội xin dừng cuộc trò chuyện. Hiệu trưởng đi ra ngoài quát lớn, gọi bảo vệ, giải tán đám đông. Thực tế là giải vây cho một giáo viên, đang ngồi ở sân trường.
Lúc bình tĩnh trở lại cuộc phỏng vấn, hiệu trưởng nói với tôi: “Nay tôi nói thật nhé, từ giờ đến hết nhiệm kỳ, trước khi về hưu, tôi cố gắng cho ra khỏi ngành giáo viên đó. Khổ lắm cô Thơ ạ, người này có phải là giáo viên đâu… Dạy chả ra sao. Thế mà chúng tôi cố gắng cho nghỉ việc không được. Đến khổ cả trường”.
Tôi sẽ không bình luận gì về những sự việc mà mình không nắm được rõ ràng. Nay nhân câu chuyện này, bộc bạch chút tâm tư. Rằng có những người đang làm việc ở trường học, được đứng trên bục giảng, nhưng chẳng có đủ năng lực, phẩm giá để làm nhà giáo. Lúc kiểm kê, họ đạt tất cả các tiêu chuẩn (một cách hình thức, nhưng thực tế trong cuộc, họ đã và đang bị “khinh thường”), vậy đâu có chút tôn nghiêm nào để xứng làm người thầy.
Luôn có những “sóng ngầm” có thể trở thành “sóng thần” trong nhà trường, nếu…
Lúc này, tôi có thể nhắc tới chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (được quy định bởi Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT), nội hàm cái uy của người thầy mà tôi nói đến có thể được thể hiện trong: “Tiêu chuẩn 1: phẩm chất nghề nghiệp, yêu thương, tôn trọng, thân thiện với học sinh; giữ gìn đạo đức, uy tín, lương tâm nhà giáo”.
Tiêu chuẩn này có các tiêu chí kèm theo. Một là, mẫu mực với học sinh: lối sống lành mạnh, văn minh, chuẩn mực, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, ứng xử thân thiện với học sinh.
Tiêu chí 2 là về phẩm chất đạo đức nhà giáo: lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo.
Một điều mà các nhà giáo dục tâm huyết luôn đặt ra là: tiêu chuẩn 1 đó được rèn luyện như thế nào, biểu hiện của nó ra sao trong thực tiễn ở một trường học. Thực tế, nếu không có sự vụ gì xảy ra, thì bất kỳ giáo viên nào cũng được coi là “có phẩm chất tốt”, có cái uy của người thầy.
Khi làm việc với các trường học trong một chủ đề về quản trị chất lượng giáo dục và an toàn trường học, tôi phát hiện ra, ẩn dưới sự thanh bình với những hoạt động giáo dục tưởng như ổn định thì luôn có những “sóng ngầm”, mà khi phân tích, tôi cảm giác, bất cứ lúc nào cũng có thể tạo thành “sóng thần”.
Mà nguyên nhân, đến từ hoạt động giáo dục thường ngày chỉ chú ý đến giám sát, quản lý “dạy đúng tiết, đúng bài”. Rất ít trường học để ý đến “dạy như thế nào”, “ứng xử trực tiếp” của từng thành viên nhà trường, văn hóa nhà trường đang ra sao.
Khi dự thính một số hoạt động đánh giá giáo viên, tôi nhận thấy, việc đặt ra câu hỏi: “Nếu đánh giá phẩm chất không tốt thì là người xấu à?”, vì thế, xuất hiện tâm lý “nể nang”, và vì thế một số biểu hiện không tạo lập, không giữ được cái uy đã xuất hiện, việc đánh giá phẩm chất nhà giáo đã bị xem nhẹ.
“Thầy ra thầy, trò ra trò” luôn là gốc của giáo dục
Trở lại hai câu chuyện tôi kể ở trên, dù đã xảy ra cách đây nhiều năm, nhưng tôi dám chắc, giờ không phải là hy hữu. Rất có thể trong một trường học nào đó, đang tồn tại một người, được đứng trên bục giảng, nhưng chẳng có phẩm chất người thầy!
Các vị lão thành trong nghề giáo, các nghiên cứu trước nay, ở Đông hay Tây, thì đều nói “thầy ra thầy, trò ra trò” là gốc của giáo dục. Nên tôi cho rằng, dù thế nào, dạy ở đâu, dạy ai thì người thầy cũng phải có cái uy.
Cái uy này không tự đến. Cái uy này đòi hỏi rèn luyện rất ghê, rèn cả trí, cả tâm, cả lực. Đánh giá cái uy này không dễ.
Tôi cho rằng, cái uy này luôn là cái gốc, và đến từ tự rèn giũa mà thành. Phát hiện được sự vi phạm, thì dù rất nhỏ, tập thể sư phạm cũng cần coi là nghiêm trọng, mà xử lý triệt để.
Tất cả các học trò đều bất hạnh nếu gặp phải người thầy không có phẩm chất. Trường học cũng chẳng thể bình yên, nếu không giữ được nếp trường, vốn giống như nếp nhà!