Ngành nhựa: Củng cố sản xuất để tăng “sức đề kháng” Chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp ngành nhựa còn nhiều nỗi lo |
Sức mua và nhu cầu tiêu thụ nhựa tăng cao
Đánh giá về tiềm năng của ngành nhựa hiện nay, ông Đinh Đức Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam – chia sẻ, ngành nhựa Việt Nam đang có tốc độ phát triển tốt và có tiềm năng thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Năm 2023, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt 6,82 triệu tấn với trị giá 9,76 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với năm 2022. Doanh thu ngành nhựa năm 2023 đạt 25 tỷ USD, giảm 0,67% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, sản phẩm nhựa Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, cụ thể là vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt.
Ngành nhựa Việt Nam đang có tốc độ phát triển tốt và có tiềm năng thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: Hải Quan Online |
“Để ngành nhựa Việt Nam tiếp cận được yêu cầu đối với sản phẩm nhựa trên thế giới, các doanh nghiệp nhựa, các nhà sản xuất cần tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến các sản phẩm nhựa bền vững và thân thiện với môi trường” – ông Thắng nói.
Thông tin về tiềm năng của thị trường đối với dòng sản phẩm này, ông Ben Wong – Tổng giám đốc Informa Markets Việt Nam – cho biết, sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu thế kỷ, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do gia tăng dân số, sức mua và nhu cầu tiêu thụ nhựa hằng ngày nên ngành cần tìm kiếm cơ hội phát triển mới.
Cũng theo ông Ben Wong, doanh nghiệp muốn đảm bảo tính bền vững, nâng cao lợi ích kinh tế của ngành nhựa, cần giải pháp giảm thiểu vật liệu nhựa không thể tái chế, nguồn cung ứng thay thế, đầu tư vào công nghệ tái chế cải tiến và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Còn theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, sản phẩm ngành nhựa và cao su được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày, cũng như phục vụ sản xuất trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
“Hiện nay, quy mô thị trường nhựa Việt Nam đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 8,44% trong giai đoạn 2024-2029 (Mordor Intelligence, 2023). Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng các chính sách kích cầu và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam” – bà Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, ngành nhựa Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn từ việc thực thi chính sách quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), tới việc thị trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong thách thức cũng mở ra cơ hội nếu doanh nghiệp Việt nắm bắt được kịp thời.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, hiện nhựa và cao su nhựa tái chế xuất khẩu ra thị trường đang được ưu đãi ở nhiều nước trên thế giới. Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng thay đổi công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cơ hội kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ngành nhựa
Để tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu sản phẩm ngành nhựa trong và ngoài nước, thời gian qua, các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều sự kiện không chỉ trong và ngoài nước.
Đáng lưu ý, một loạt triển lãm đã được triển khai như Triển lãm quốc tế ngành nhựa và cao su 2024 (VietnamPlas 2024) vừa được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là triển lãm quốc tế lần thứ 22 về máy móc thiết bị công nghiệp về ngành nhựa và cao su.
Triển lãm VietnamPlas 2024 quy tụ 700 đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày, trên diện tích 23.000m2, với hơn 1.100 gian hàng, của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Iran, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Úc, Việt Nam, Ý…
Nhân viên Công ty Đức Hiếu chia sẻ về các sản phẩm bao bì được sản xuất theo công nghệ mới với khách hàng. Ảnh: Đỗ Nga |
VietnamPlas 2024 trưng bày đa dạng, phong phú các hạng mục giải pháp tái chế bền vững và nhiều sản phẩm như: Máy ép phun tiên tiến, dây chuyền ép đùn hiện đại đến máy thổi màng cải tiến, máy làm túi cơ khí chính xác, máy trộn hiệu suất cao, máy cắt công nghiệp, máy nén, nguyên liệu chất lượng và phụ gia chuyên dụng. Những công nghệ này phù hợp với nhu cầu của Việt Nam về nâng cao khả năng sản xuất tiên tiến và thực hành bền vững trong ngành nhựa và cao su.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP. Hồ Chí Minh – nhấn mạnh, VietnamPlas 2024 là một diễn đàn giao lưu, tiếp cận công nghệ hiện đại trong ngành công nghiệp nhựa, cao su, là cơ hội để các doanh nghiệp cải tiến và thay đổi công nghệ mới, phát triển sản xuất theo hướng tự động hóa, kỹ thuật số hoá và chuyển đổi xanh bền vững.
Triển lãm cũng đã mang lại cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho cơ quan quản lý, hiệp hội, người mua… tham gia đóng góp những giải pháp phát triển của ngành trong thời gian tới, cũng như cập nhật thông tin xu hướng thị trường.
Trước đó, tại Hà Nội cũng đã diễn ra Triển lãm quốc tế ngành nhựa và cao su tại Hà Nội (HanoiPlas 2024). Triển lãm là cơ hội để các nhà cung cấp nguyên vật liệu mới, máy móc thiết bị mới tham gia trưng bày triển lãm để đón đầu thị trường tiềm năng này trong thời gian tới.
HanoiPlas 2024 đã thu hút hơn 200 nhà triển lãm từ 13 quốc gia và khu vực, bao gồm: Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam, giới thiệu công nghệ tiên tiến và các sản phẩm mới thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Sự kiện VietnamPlas 2024 thu hút của hơn 1.100 gian hàng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: H.P |
Tại HanoiPlas năm nay, các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau của thị trường máy móc sẽ được giới thiệu. Đơn cử, trong lĩnh vực máy ép phun, các công ty lớn, bao gồm: Multitech, Shini, Honzen Union, Chuan Lih Fa, Fu Chun Shin và Yizumi. Trong lĩnh vực sản xuất cao su có sự góp mặt của INEM và Pan Stone, lĩnh vực sản xuất túi nhựa có sự góp mặt của các công ty nổi tiếng như Chao Wei, Cosmo và Dipo.
Bà Judy Wang, Chủ tịch Yorkers Exhibition Service Vietnam thông tin thêm, HanoiPlas 2024 đánh dấu một thời điểm quan trọng cho ngành nhựa và cao su Việt Nam. Theo đó, triển lãm không chỉ trưng bày những tiến bộ và đổi mới đáng kể trong ngành mà còn thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và tăng trưởng kinh doanh.
“HanoiPlas cung cấp nền tảng để các nhà sản xuất trong nước áp dụng những cải tiến mới nhất, đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt và nâng cao hiệu quả sản xuất đi đôi với tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, sự kiện còn quy tụ các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong ngành đến giao lưu, trao đổi, thúc đẩy tiềm năng phát triển của ngành năng động này” – bà Judy Wang nhấn mạnh.
Nguồn: https://congthuong.vn/cai-tien-tu-cong-nghe-dua-nganh-nhua-viet-don-dau-thi-truong-tiem-nang-352896.html