Cây chanh leo từng được coi là cây trồng chủ lực của huyện Bảo Yên; tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về đầu ra nên có thời điểm, sản phẩm chanh leo ở Bảo Yên vắng bóng trên thị trường tiêu thụ của địa phương. Những năm gần đây, bà con đã dần khôi phục lại diện tích, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, nhờ đó đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét.
Những ngày này, gia đình chị Triệu Thị Mùi, ở bản 2, xã Điện Quan đang tập trung thu hoạch chanh leo để kịp thời vụ. Chị Mùi cho biết: Hơn 1 năm trở lại đây, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cây ngô sang trồng cây chanh leo.
“Năm nay chanh leo được mùa, được giá, thu hoạch đến đâu là có thương lái đặt mua đến đó. Gia đinh rất phấn khởi, nếu giá tiếp tục ổn định như thế này, sang năm sẽ mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này”, chị Mùi cho biết thêm.
Tại xã Xuân Hòa, mô hình liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Mo đang được nhiều hộ dân nhiệt tỉnh tham gia. Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Hòa có 53 ha chuối, trong đó có 29 ha chuối tiêu hồng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động mời gọi doanh nghiệp về liên doanh, liên kết với bà con nông dân.
Theo đó, hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông đứng ra liên kết với các hộ trồng theo hướng, cung cấp ứng trước phân bón cho các thành viên; đồng thời tập huấn kỹ thuật trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh gây hại, thu hoạch, giám sát. Căn cứ vào sản lượng tiêu thụ, hằng năm Hợp tác xã tổ chức họp các hộ nông dân tham gia dự án để thống nhất về phương án giá cả, cam kết thu mua sản phẩm cho bà con.
“Hợp tác xã cũng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm để không phụ thuộc vào một đối tác. Mối liên kết này giúp nông dân yên tâm sản xuất vì không phải lo lắng đầu ra”, ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Yên, trên địa bàn huyện đang thực hiện 10 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tổng dự toán kinh phí hơn 100 tỷ đồng (nguồn ngân sách nhà nước trên 51 tỷ đồng; doanh nghiệp, Nhân dân là trên 48 tỷ đồng). Đến thời điểm này, huyện đã phê duyệt và triển khai thực hiện được 8/10 dự án, với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đã giao là hơn 33 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 9,7 tỷ đồng, bằng 30% dự toán giao.
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Mối liên kết bền chặt giữa HTX, doanh nghiệp với người dân nhất là đồng bào DTTS đã trở thành điểm tựa để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Các Hợp tác xã, doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng niềm tin với nông dân, hợp tác, đồng hành vận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Năm 2025, huyện Bảo Yên phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới của tỉnh Lào Cai. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thì việc nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa được huyện đặc biệt quan tâm, coi đây là giải pháp căn cơ. Và việc thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất theo chuỗi giá trị đã và đang hiện thực hóa mục tiêu này.
Nguồn: https://baodantoc.vn/cai-thien-thu-nhap-cho-dong-bao-dtts-o-bao-yen-thong-qua-thuc-day-lien-ket-san-xuat-1722914623625.htm