Chỉ số Xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index – PGI) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường, dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh về những tiêu chí, như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền…
Sản xuất an toàn để tạo ra chuỗi giá trị sạch đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam |
• VỀ PGI 2022
Tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 ngày 11/4/2023, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố PGI. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên công bố PGI cho cấp tỉnh. PGI được xây dựng nhằm khuyến khích và thúc đẩy nỗ lực của chính quyền các tỉnh; cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương, hướng đến sự phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp. PGI cũng là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo lãnh đạo USAID, việc tiếp cận nguồn lực tăng trưởng xanh đem lại nhiều tác động lớn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững và hiện thực các mục tiêu đã cam kết. PGI được xây dựng trên nền tảng thành công của PCI và là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ rằng, các vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. PGI sẽ được công bố hằng năm như một phần của PCI.
Tại COP26 (COP – Conference of the Parties: Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu – sự kiện diễn ra hàng năm) tháng 11/2021 tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành Nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
|
Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh, do đó chỉ số PGI 2022 có thể được coi là một bộ chỉ tiêu cho phép đánh giá, đo lường và so sánh những bước tiến chính sách ở cả bốn khía cạnh của quản trị môi trường và chỉ số tổng thể. PGI sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26.
• NHÌN QUA PGI LÂM ĐỒNG
Lâm Đồng đứng thứ 36 (14,47 điểm) trong bảng xếp hạng PGI công bố lần đầu tiên. Tại khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng đứng sau Kon Tum (26) và đứng trước Đắk Lắk (44), Đắk Nông (48) và Gia Lai (52). So với điểm số của tỉnh đứng đầu là Trà Vinh (17,67), Lâm Đồng kém 3,20 điểm; so với tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng (63) là Hà Nội (12,52) thì Lâm Đồng hơn chỉ có 1,95 điểm; so với tỉnh đứng trước liền kề (35) là Điện Biên (14,55) – Lâm Đồng kém 0,08 điểm; và so với tỉnh đứng sát sau (37) là Nghệ An (14,46) – Lâm Đồng chỉ hơn có 0,01 điểm… Như vậy, khoảng cách điểm để thay đổi vị trí là vô cùng nhỏ.
PGI có 4 chỉ số thành phần. Ở nội dung “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”, Lâm Đồng đạt 3,34 điểm – kém Nghệ An (3,43 điểm) 0,9 điểm; tỉnh có chỉ số này cao nhất là Bắc Ninh (6,85) và thấp nhất là Đắk Lắk (3,07). Với nội dung “Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu”, Lâm Đồng đạt 5,13 điểm – thấp hơn Nghệ An (6,05 điểm) 0,92 điểm và tỉnh đứng đầu của chỉ số này là Đà Nẵng (6,74 điểm),tỉnh có điểm thấp nhất là Bình Thuận (4,03).
Đối với nội dung “Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường/thúc đẩy thực hành xanh”, Bến Tre (2,98) là tỉnh có điểm số thấp nhất và cao nhất là Hải Phòng (5,35 điểm); Lâm Đồng đạt 4,27 điểm – cao hơn Nghệ An (3,38 điểm) 0,89 điểm. Ở nội dung “Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường” tỉnh có điểm thấp nhất Bạc Liêu (1,39 điểm) và cao nhất là Lai Châu (2,59 điểm); Lâm Đồng đạt 1,69 điểm – cao hơn Nghệ An (1,58 điểm) 0,11 điểm.
So với mặt bằng chung và với điểm số của chính mình, Lâm Đồng đang kém nhất ở nội dung “Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”.