Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) còn khó khăn do chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm, bằng nhiều hình thức, các ngành đã triển khai các giải pháp hỗ trợ DN phát triển.
Lãnh đạo tỉnh và các ngành thăm, tìm hiểu khó khăn doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất tại Bình Dương
Nhiều vướng mắc
Ngành công thương cho biết sản xuất công nghiệp, xuất, nhập khẩu trong quý I-2023 gặp nhiều khó khăn do một số DN không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao. Thu ngân sách tuy bảo đảm dự toán nhưng thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Hoạt động của một số DN chậm lại, nhất là ngành gỗ, may mặc, giày da… Nhiều công trình lưới điện chậm tiến độ do vướng mắc thủ tục giải phóng mặt bằng dẫn đến áp lực cung cấp điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Mới đây, trong cuộc làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với các DN, đại diện nhiều DN đã kiến nghị các khó khăn, vướng mắc đang hiện hữu trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật. Đồng thời, mong các ngành chức năng tỉnh tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da- Túi xách tỉnh, mặc dù gần đây Bộ Công an đã có những hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy cho DN. Tuy nhiên, đây chỉ là những hướng dẫn mang tính tạm thời, DN đề xuất cần tháo gỡ khó khăn hiện nay đối với các công trình đã hoàn tất, hướng dẫn để có thể nghiệm thu, đưa vào hoạt động bằng các phương án phù hợp, có chi phí thấp, không phân biệt công trình lớn, nhỏ. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ xin thẩm duyệt để rút ngắn thời gian chờ đợi; nên nghiệm thu cho các DN đã hoàn thiện theo các quy chuẩn thẩm duyệt trước đây; cần có những quy định cụ thể hơn đối với các loại vật liệu cháy và không cháy. Bộ Xây dựng cần xem xét và có phụ lục về quy định khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các dự án trong khu dân cư để tránh lãng phí quỹ đất…
Hiệp hội Logistics cũng kiến nghị về những khó khăn trong công tác đăng kiểm xe cơ giới hiện nay đã cản trở rất lớn đối với các DN vận tải, làm giảm đà phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, Bộ Công an, Bộ Giao thông – Vận tải nên có các văn bản hướng dẫn, thay thế kịp thời củng các phương án dự phòng để tránh ách tắc hoạt động của DN. Nên có sự phân cấp thẩm quyền cho địa phương, quy định danh mục xe cơ giới cần đăng kiểm và công bố công khai để DN có sự chuẩn bị kỹ càng, hạn chế sai sót, giảm thời gian đi lại.
Kiến nghị với UBND tỉnh, bà Phan Lê Diễm Trang đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết chủ trương di dời các DN ngoài khu công nghiệp đa số DN đều chấp hành. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, đề nghị giãn thời gian di dời để DN có thể phục hồi. Bên cạnh đó, thủ tục gia hạn cần đơn giản, nhanh chóng.
Tháo gỡ khó khăn
Trước tình hình này, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 của tỉnh. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho DN và người dân.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết các ý kiến, kiến nghị tới bộ, ngành Trung ương được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu và xem xét có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong tháng 5 tới.
|
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết nhiệm vụ trọng tâm quý II- 2023 đã được UBND tỉnh đặt ra cho ngành là tập trung rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, cản trở hoạt động SXKD. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có giải pháp duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Triển khai hiệu quả đề án di dời các cơ sở SXKD, các DN ở phía nam lên các địa phương phía bắc và sắp xếp, chuyển đổi công năng các DN sau khi di dời.
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về giải pháp thúc đẩy phát triển SXKD và xuất nhập khẩu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, nhiều địa phương được xem là đầu tàu kinh tế nhưng tăng trưởng rất thấp trong quý I-2023. Trước tình hình đó, Bộ Công thương khẳng định đang nỗ lực bằng mọi cách cải thiện môi trường SXKD, đẩy mạnh thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Đồng thời, phát huy vai trò của các tham tán thương mại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu chủ lực, cần hỗ trợ DN kết nối giao thương, tìm kiếm đơn hàng.
TIỂU MY – CẨM TÚ