Cộng đồng nhất nhất lên án kịch liệt, ủng hộ phương án nghiêm trị với hành vi hung hăng đánh người chỉ vì va quẹt nhỏ khi đi đường. Thế nhưng tranh cãi chưa bớt nóng khi ‘chín người mười ý’ chỉ ra nguyên do khiến ngày càng nhiều tài xế côn đồ.
Liên tiếp từ Hà Nội, TP.HCM đến Bình Dương, Bình Phước… xảy ra nhiều vụ tài xế côn đồ đánh người chỉ vì chuyện đi lại trên đường. Nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ Online nói rất buồn bực, bất an trước việc này.
Đỉnh điểm là khi vụ này vừa diễn ra, thông tin lực lượng công an tại một số địa phương đang quyết liệt xử lý, thậm chí bắt tạm giam người này thì ở địa phương kia, tài xế côn đồ cứ thế hành hung người khác.
Đừng đổ lỗi do đường chật nên tài xế côn đồ, hung hăng đánh người
Bạn đọc Lê Phổ cho rằng xung đột giữa xe máy và ô tô trên đường hiện nay đã ở mức rất căng thẳng. Phần vì ô tô lấn hết làn khiến xe máy không còn đường đi, phần vì đường đông, giao thông hỗn loạn.
Thêm nữa là tình trạng thiếu bãi đỗ xe tại trung tâm TP.HCM. Tại nhiều tuyến đường (như Trương Định, Pasteur, quận 3), xe hơi dừng đậu chật ngay trên làn xe máy. Nhiều đoạn đường dù có vạch liền cấm đậu xe nhưng ô tô vẫn đậu kín, nháy đèn cảnh báo rồi “thoải mái dừng cả chục phút vào giờ cao điểm”.
Bạn đọc có bí danh Coc cũng cho rằng đường hẹp, phân luồng không hợp lý, đèn tín hiệu giao thông đếm giây không hợp lý, không có bãi đậu xe ô tô, không có làn đậu ô tô cùng văn hóa giao thông kém, thích chen lấn gây kẹt xe rồi đi chỉ trích, chửi, đánh người cản trở mình, nhắc nhở mình… là nguyên nhân.
Tài khoản Dong Buu nói ngay việc “không đồng ý với ý kiến đường quá chật tạo nên những tài xế côn đồ”.
Theo bạn đọc này, đây là lối suy nghĩ thiển cận, hạn hẹp, thậm chí là bao biện cho hành vi sai trái, đổ lỗi cho con đường.
“Hãy xem giao thông ở các nước văn minh có dân số nhiều gấp rưỡi, gấp đôi Việt Nam (như Nhật Bản chẳng hạn), đường chật nhưng ít hoặc không xảy ra các hành vi côn đồ”, độc giả Dong Buu viết.
Vì cái sai không được dẹp bỏ và trừng trị
Một độc giả có tài khoản lac****@gmail.com nói ngay chung quy tại ý thức và bản tính mỗi tài xế thôi. “Đường chật, nhưng bao nhiêu tài xế lại không thành côn đồ, mà chỉ vài cá nhân. Xin đừng bao biện cho hành động sai trái nữa”, lac****@gmail.com viết.
Giải pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả rất cao là phạt thật nhanh chóng và phạt thật nặng những người có hành động côn đồ, hiện tượng côn đồ tham gia giao thông sẽ giảm nhanh về không là những gì bạn đọc Mỹ Toàn đề xuất.
Bạn đọc Hùng ĐN gọi nguyên nhân sâu xa cho các hành vi côn đồ, ngang nhiên đánh người chỉ vì cái quẹt xe nhẹ đều do giáo dục mà ra. Nếu môi trường giáo dục trong trường học và gia đình chưa đủ, cần phải có biện pháp xử phạt hành chính thật nặng, thậm chí xử phạt tù để giáo dục và răn đe trong toàn xã hội.
Một phản hồi khác của Dũng được rất nhiều bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online tán thành. Theo đó, Dũng cho rằng vì cái sai không bị trừng phạt mới dẫn đến những sự việc, hiện tượng trên. Chỉ cần bước ra đường đã thấy ngay việc buôn bán lấn chiếm lề đường và cả lòng đường.
Tệ hơn nữa, các xe tự chế buôn bán chiếm luôn cả lòng đường, kẹt xe càng kẹt xe thêm, người đi đường chôn chân tại chỗ hít khói. Có bực bội không?
“Người ta thường viện dẫn họ là người nghèo mà, thông cảm cho người ta làm ăn. Rồi ai thông cảm cho hàng ngàn người mang tâm lý căng thẳng đi đường kia? Những cái đầu mệt mỏi bị giảm năng suất lao động, về nhà không thoải mái với gia đình”, bạn đọc Dũng viết.
Tiếp theo là các xe chở hàng cồng kềnh ngoài đường. Các xe ấy ngày chạy hàng chục bận trên đường, là tác nhân nguy hiểm cho người khác, nhưng không thấy bị xử lý, họ cứ tồn tại đó.
Rồi những kẻ đi đường hung hăng, phóng xe lên lề đường, chạy ngược chiều, bấm còi inh ỏi… cũng không bị trừng phạt.
“Cái sai, cái xấu không bị trừng phạt, và họ là người giành được thế thượng phong trên đường. Cái xấu này rất dễ lây lan, người khác thấy những kẻ đó vi phạm vẫn ổn, tại sao ta không vi phạm. Thế rồi số người vi phạm tăng lên, làm cho trật tự hỗn loạn”, Dũng tâm tư.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cai-sai-duoc-lam-ngo-gop-phan-nay-sinh-nhieu-hanh-dong-con-do-20241217151447956.htm