Xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một trong những nhiệm vụ sống còn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng xác định rõ, một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Nhờ vậy, tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách còn cung cấp hệ thống cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoàng Hà

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất suy nghĩ, băn khoăn về tên cuốn sách nói về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đứng tên mình. 

“Tổng Bí thư không có chủ đích viết sách về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đứng tên mình, không muốn tự đề cao mình. Nhưng, sau khi xem toàn bộ nội dung cuốn sách và đặc biệt là sau khi xem lời tựa nói rằng Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn cuốn sách này, Tổng Bí thư đồng ý”, ông Nguyễn Thái Học khi đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã phát biểu trong buổi giới thiệu về cuốn sách ngày 11/11/2023.

Phần thứ nhất “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” gồm bài viết tổng quan “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!” của Tổng Bí thư ; 4 phát biểu kết luận của Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và kết luận tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.

Với phần thứ hai “Nhất quán phương châm: “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, gồm những bài viết cho thấy tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của Tổng Bí thư về “vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”.

Phần thứ ba “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tập hợp ý kiến đánh giá của các tầng lớp nhân dân, chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện sự ghi nhận, ủng hộ, niềm tin tưởng sâu sắc với cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Tổng Bí thư cho rằng: “Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”. 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Do đó, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, không để quyền lực bị “tha hóa”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”.

Vì vậy, người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực.

Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội. Đây cũng chính là định hướng quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xác định phương châm kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

“Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống”

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm chậm sự phát triển của đất nước”. Bằng những phân tích, lý giải thấu đáo với nhiều thông tin, số liệu dẫn chứng thực tế, Tổng Bí thư khẳng định: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”. 

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách”. Quan điểm xuyên suốt của Tổng Bí thư trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá”.

Tuy nhiên, để phòng ngừa tốt, phải xây dựng được cơ chế. Cơ chế đó phải bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”.

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. 

“Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân!”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/cai-quy-nhat-cua-con-nguoi-la-cuoc-song-va-danh-du-song-2303767.html