Theo Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư, từ năm 2015, với hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, bệnh viện đã thành lập 2 phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại 2 đơn vị của bệnh viện là Khoa Khám bệnh và Phòng Quản lý chất lượng, với mong muốn giảm thiểu tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Sau 8 năm triển khai, Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư đã cai nghiện thuốc lá thành công cho hàng nghìn người nghiện thuốc lá trong và ngoài nước.
ThS Nguyễn Tường Linh, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng, cho biết bệnh nhân khi đến cai nghiện thuốc lá sẽ được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng 2 phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Các phương pháp này giúp người nghiện thuốc lá được “thức tỉnh”, quên đi cảm giác thèm thuốc lá.
Theo BS Bùi Duy Anh (Phòng Hỗ trợ và tư vấn cai nghiện thuốc lá, Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư), với phương pháp không dùng thuốc, bác sĩ áp dụng phương pháp nhĩ châm kết hợp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng.
Trong đó, nhĩ châm là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Cơ chế của nhĩ châm cai thuốc lá chính là điều hòa lại khí huyết, cân bằng âm dương để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá, cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra. Phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng hỗ trợ luyện thở cho những người hút thuốc lá gặp chứng bệnh viêm phổi tắc nghẽn.
Với trường hợp dùng thuốc cai nghiện thuốc lá, người cai được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng viên ngậm, trà nhúng (có thành phần thảo dược như bạc hà, gừng, cam thảo) hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm hội chứng cai cho bệnh nhân. Bên cạnh hội chứng cai nghiện thuốc lá gồm kích thích, bồn chồn, khó chịu, cáu gắt, mất ngủ, khó tập trung, còn có các triệu chứng khác được ghi nhận xuất hiện sau khi bỏ thuốc lá như ho, khô miệng, đau rát họng, đau đầu, buồn nôn.
Các bác sĩ điều trị đánh giá, 2 phương pháp cai nghiện thuốc lá được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư đạt hiệu quả cao, số lượng bệnh nhân đến cai thuốc lá tại bệnh viện gia tăng.
Tuy nhiên, các bác sĩ lưu ý để thành công trong cai thuốc lá, không tái nghiện cũng phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của bản thân người hút thuốc lá.
Một nghiên cứu đánh giá tại Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư 2020 – 2021 về nhu cầu cai nghiện thuốc lá cho thấy, trong số các cá nhân đến cai nghiện thuốc lá, nam giới chiếm 91,43%. Độ tuổi hút thuốc trung bình là 32,56. Số năm hút trung bình là 12,35, có người 20 năm. Mức độ nghiện thuốc lá trung bình chiếm 48,39%; mức nặng chiếm 27,86% và mức nhẹ chiếm 23,75%.