Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 30-6 tại TP.HCM. Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức.
Chủ trì hội thảo là Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương và Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên.
Công nghệ hát giùm nghệ sĩ, đến cải lương cũng nhép
Trong tham luận Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thời đại số, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Trường đại học Sài Gòn) nêu thực tế về việc công nghệ số “tấn công” âm nhạc trong việc sáng tác, thu âm và biểu diễn, làm thay đổi âm nhạc ngày nay.
Bà Liêm chỉ ra rằng hàm lượng công nghệ trong biểu diễn âm nhạc ngày nay đang tăng cao, dẫn đến tình trạng: “Các chương trình nghệ thuật đang trong cuộc đua công nghệ, dần trở thành chương trình công nghệ”.
Lâu nay, báo chí đã lên tiếng về việc công chúng đang “xem nhạc” chứ không nghe nhạc và vấn nạn “hát nhép”.
Bà Liêm nêu ví dụ trong tham luận: “Đến mức cải lương cũng bị không ít người hâm mộ quay lưng vì hát nhép.
Dàn đờn là đĩa thu sẵn, khiến nghệ sĩ cải lương chỉ cố gắng chạy theo âm thanh phần thu sẵn để “nhại”, “nhép”, “đớp” cho khớp hoặc chỉ diễn xuất theo âm thanh thu sẵn của chính mình, diễn thì như con rối, đánh mất đặc trưng diễn xuất của nghệ thuật sân khấu truyền thống”.
Tác giả chỉ ra việc “biến một giọng hát tầm thường thành phi thường” nhờ công nghệ giúp giọng hát dày hơn, màu sắc hơn, sửa sai về cao độ và tiết tấu, làm thành nhiều giọng, hát bè, chồng âm…
Kết quả là tác phẩm âm nhạc đó mất đi phần “hồn” bởi ca sĩ không tư duy mà trông nhờ vào kỹ thuật công nghệ.
Chốt lại, bà Liêm khẳng định không thể chống đối công nghệ trong âm nhạc bởi nó vẫn mang lại những tiện ích và hiệu quả.
“Việc công nghệ có “làm giả” được nghệ thuật không do lỗi của nó mà do lỗi của người sử dụng” – bà cho rằng nếu ứng dụng và quản lý tốt, công nghệ có thể giúp âm nhạc nghệ thuật hoàn thiện và đẹp hơn, đóng góp cho phát triển bền vững, phù hợp với thời đại.
Đào, phở và piano 50 tỉ mới lãi, lý do Địa đạo phải ‘khước từ’ 30 tỉ
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú nêu lý do phim nhà nước thất thế hoàn toàn trên thị trường là do chỉ đầu tư sản xuất, hầu như không đầu tư quảng bá phim khi phát hành:
“Ngoài chi phí tối đa 100 triệu đồng cho cuộc họp báo duy nhất của mỗi phim thì không có bất cứ khoản chi nào khác cho khâu quảng bá như thiết kế, in ấn poster, làm TVC…
Đây là trở ngại lớn với nhiều phim do Nhà nước đầu tư”, ông nói.
Còn về phát hành, với cơ chế gò bó trong luật sử dụng đầu tư công, các phim do Nhà nước tài trợ sản xuất khó đến với hệ thống rạp thương mại, hầu hết chỉ chiếu một vài buổi nhân các dịp lễ hoặc ít buổi bán vé tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia hay một vài rạp nhà nước.
Do không có chi phí quảng cáo, phim vắng khách rồi bị cất vào kho.
Vừa qua, phim Đào, phở và piano có kinh phí 20 tỉ đồng và thu 20,8 tỉ đồng, có người nhầm tưởng là có lời.
Nhưng ông Tú cho biết theo quy luật thị trường, sau khi trừ tiền thuê rạp, tiền thuế, thù lao phục vụ, điện, nước… thì doanh thu Đào, phở và piano phải đạt trên 50 tỉ đồng mới có lời.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015) là phim do Nhà nước đặt hàng kết hợp vốn xã hội hóa. Khi phim có doanh thu cao (78 tỉ đồng), Nhà nước “giật mình”, không biết chia lợi nhuận như thế nào vì đây là công và tư, chưa có điều chỉnh về luật sử dụng vốn đầu tư công.
Cuối cùng, Nhà nước không cho phép kết hợp vốn nhà nước và vốn xã hội hóa trong đầu tư sản xuất phim nữa.
Kết quả là trường hợp đáng tiếc về phim Địa đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên – kịch bản xứng tầm để kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Phim dự toán cần 60 tỉ đồng. Nhà nước quyết định tài trợ 30 tỉ.
Khi người làm phim xin phép huy động vốn xã hội hóa 30 tỉ còn lại thì Nhà nước không chấp thuận.
Cuối cùng, đạo diễn đành khước từ nguồn vốn của Nhà nước để huy động 100% vốn từ bên ngoài. Ông Tú cho biết phim đã huy động được 45 tỉ đồng, chưa kể quảng cáo.
26 phim Việt lỗ trong một năm rưỡi qua
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn dẫn thống kê từ Moveek và Box Office Vietnam để kết luận: năm 2023 có 18 phim thương mại Việt lỗ; còn trong sáu tháng đầu năm 2024, có 8 phim lỗ.
Đặc biệt phim Đất rừng phương Nam đạt 140 tỉ đồng nhưng nhà sản xuất vẫn phải báo lỗ do chi phí đầu tư sản xuất quá lớn.
Theo ông Tuấn, đại đa số phim lỗ do yếu kém, nhưng cũng có nguyên nhân khác là phim Việt không nhận được sự hỗ trợ bởi chính các hệ thống rạp chiếu trên sân nhà.
Ông đề xuất Nhà nước cần có một số chính sách hỗ trợ thiết thực để “cứu vãn sinh mệnh của phim Việt Nam trên chính các rạp chiếu Việt Nam”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cai-luong-ma-hat-nhep-nhu-con-roi-phim-nha-nuoc-sao-cu-that-thu-20240701101402672.htm