SGGP
Thời gian qua, rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết với cải lương và có tư duy mới mẻ đã cùng nhau đem đến những làn gió mới cho nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt là cái bắt tay độc đáo giữa cải lương và nhạc trẻ đã mang đến một sự kết hợp đầy thú vị, thu hút từ khán giả mê cải lương đến khán giả yêu nhạc trẻ.
NSƯT Kim Tử Long và ca sĩ Phương Mỹ Chi kết hợp trong ca khúc “Chiếc lược ngà” |
Những kết hợp nổi bật
Trở lại ấn tượng trong năm 2023, Phương Mỹ Chi ra mắt album Vũ trụ Cò bay vào tháng 9. Trong các ca khúc khiến khán giả yêu thích, đáng chú ý nhất có lẽ là Chiếc lược ngà (lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng), với sự kết hợp cùng NSƯT Kim Tử Long. Chiếc lược ngà là bài hát lạ, hòa trộn giữa dòng nhạc trữ tình, dân ca và vọng cổ. Ca khúc phản ánh sự đột phá trong âm nhạc, hiện đại nhưng vẫn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi.
NSƯT Kim Tử Long nhận định, Phương Mỹ Chi là ca sĩ trẻ biết thay đổi tầm nhìn và can đảm bước ra khỏi vùng an toàn để “lột xác” với âm nhạc nhiều màu sắc và thể loại. “Những gì Phương Mỹ Chi đang làm là một bước tiến, một xu hướng mới để các bạn trẻ thay đổi góc nhìn. Sau khi nghe dòng nhạc này sẽ thấy không phải trữ tình hay dân ca là sến súa, buồn chán”, NSƯT Kim Tử Long nói.
Tháng 4-2022, ca khúc Về nghe mẹ ru với sự pha trộn của các thể loại cải lương, R&B, rap cùng màn trình diễn của NSND Bạch Tuyết, Hứa Kim Tuyền, Hoàng Dũng, rapper 14 Casper đã khiến công chúng không ngớt lời khen ngợi. Có thể nói, chính sự thành công này đã bước đầu tạo nên trào lưu kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, người vừa lấn sân ca cải lương cách đây không lâu với bài tân cổ Nghĩa mẹ tình cha, chia sẻ: “Cải lương hay vì chứa đựng tình yêu vô bờ bến với quê hương, gia đình, nghĩa nhân con người… Việc kết hợp cải lương – nhạc trẻ trong các MV hiện nay là ý tưởng tốt, có thể tạo nên sản phẩm cuốn hút, có bản sắc riêng. Nghệ thuật không giới hạn và càng có nhiều nghệ sĩ kết hợp, nhân rộng những giá trị của âm nhạc dân tộc, của cải lương là tín hiệu đáng mừng. Điều này thể hiện nghệ sĩ trẻ bây giờ rất nhạy bén, giàu sáng tạo, giàu tâm huyết”.
Giữa năm 2023, NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy công bố MV Tia sáng cuối cùng (The last light), đánh dấu sự hợp tác bài bản giữa cải lương và nhạc rap. MV được xem là tạo nên sự giao thoa đương đại mới mẻ cho thị trường nhạc Việt. Sản phẩm này có sự đồng hành của nhạc sĩ Phạm Hải Âu và NSND Thanh Hải. Sự cố vấn chuyên môn cao, tâm huyết của họ đã giúp “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết có thể phối hợp ăn ý với “lão đại” làng rap Wowy, đem đến cho khán giả một sản phẩm âm nhạc độc đáo. Tuy còn những ý kiến trái chiều nhưng đa số khán giả vẫn tán đồng, cho rằng dù chưa phải quá xuất sắc nhưng tác phẩm đã cho thấy có sự nghiêm túc, sáng tạo trong nghệ thuật.
Đặt đúng chỗ
Sự giao thoa đương đại trong Tia sáng cuối cùng giữa NSND Bạch Tuyết – rapper Wowy đã mở ra những trải nghiệm mới với sự pha trộn độc đáo giữa pop, rap, world music và âm nhạc dân gian. MV còn sử dụng nghệ thuật tạo hình AI và công nghệ 3D projector mapping kết hợp vũ điệu đương đại, mang lại thể nghiệm thưởng thức âm nhạc đầy ấn tượng.
NSND – Tiến sĩ Bạch Tuyết và rapper Wowy hợp tác trong ca khúc “Tia sáng cuối cùng” |
Theo NSND Bạch Tuyết, vì quý tài năng, tư duy, sự sáng tạo bền bỉ và tâm huyết của Wowy nên kết hợp cùng anh. NSƯT Thoại Mỹ cũng có lý do tương tự. Ban đầu chị cảm thấy rất ngại bởi không hiểu sự kết hợp sẽ đem lại điều gì, nhưng sau đó, chị đồng cảm trước tâm huyết của ca sĩ H-Kray nên nhận lời hợp tác. Chị tâm sự: “Tôi cảm nhận được tâm tình của nghệ sĩ trẻ muốn đưa cải lương đến gần hơn với khán giả. Bản thân tôi cũng chung mong muốn ấy nên có sự đồng hành. Tôi muốn khán giả trẻ có cái nhìn khác về cải lương, yêu cải lương hơn”.
Có một điều phải nhìn nhận, không phải sự “bắt tay” nào cũng tạo được hiệu ứng mạnh, lan tỏa lớn, tác động đến khán giả. Nếu như năm ngoái ca khúc Về nghe mẹ ru thắng nhiều giải thưởng, khán giả rất yêu thích thì năm nay, sức lan tỏa một số sản phẩm theo xu hướng tương tự vẫn còn phải chờ. Như Tia sáng cuối cùng hay Phấn hoa màu son đến hiện tại lượt nghe, xem vẫn chưa quá nổi trội.
Riêng Tia sáng cuối cùng có khán giả khen nhưng cũng không ít người chê cách kết hợp thiếu ăn nhập, lời nhạc khó hiểu, chất nhạc có phần khó nghe. Trước những nhận xét của công chúng, NSND Bạch Tuyết từng bày tỏ bà không ngại lời chê bởi mỗi người có góc nhìn, cách cảm nhận khác nhau, trong khi bản thân tác phẩm vốn là một sự thử nghiệm biến cái cũ thành cái mới. Những lời chê cũng là cách để các sản phẩm tiếp theo có sự hoàn chỉnh, dần mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới lạ. Còn theo NSƯT Thoại Mỹ, điều quan trọng trong việc kết hợp cải lương – nhạc trẻ là làm sao để hài hòa, phù hợp, gần gũi, không đánh mất đi đặc trưng riêng có.
Cải lương là loại hình âm nhạc có thể dung nạp cũng như song hành cùng nhiều loại hình âm nhạc khác. Điều cần chú ý là biết cách khai thác và đặt đúng chỗ, để sự thể nghiệm đột phá không bị xem thường, bị cho là làm mất đi nét đẹp nghệ thuật truyền thống. Vài dự án “bắt tay” của cải lương – nhạc trẻ dù chưa thể mang cải lương trở về thời hoàng kim nhưng cũng là bước đầu mở đường cho loại hình nghệ thuật này trở nên đặc biệt, dễ cảm, gần gũi, len lỏi vào tâm trí người trẻ Việt.