Nhiều chiều dư luận bàn tán, một số người cho rằng, nam thanh niên “thêm mắm thêm muối” để tạo nội dung bẩn, “câu” tương tác. Nguy hiểm hơn, có người nhận định anh cố tình cài cắm tình tiết để khơi mào tranh luận về phân biệt vùng miền. Và rõ ràng, đằng sau một câu chuyện mới là một vấn đề không mới: câu chuyện về “cuộc chiến” tương tác trên mạng xã hội, khi mỗi nhà sáng tạo nội dung khát khao những lượt like, đôi khi đánh đổi bằng sự dối trá.
Đâu là sự thật?
Trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều thông tin nhiễu loạn xoay quanh sự việc TikToker Vũ Minh Lâm chia sẻ trải nghiệm không tốt tại một quán phở ở Hà Nội. “Mình bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn. Lâm và bạn đến tiệm phở, vào quán nhờ nhân viên ra bê mình lên bậc tam cấp. Nhân viên bước ra cửa bảo, quán em không có nhân viên để khiêng người như anh. Thế là hai đứa đi tiệm khác, trong cơn mưa lạnh lòng…” – nam TikToker kể.
Anh cho biết, khi đến một quán phở gà quen, chỗ ngồi bé, nên Lâm hơi chen vào chỗ bà chủ ngồi bán hàng ăn. “Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên rằng ai nhận cái ngữ này vào đây ăn. Nhân viên bảo anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này…” – Vũ Minh Lâm kể. Câu chuyện được chia sẻ trên Facebook và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Số ít bênh vực nam thanh niên này, phần đông lại tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của vụ việc.
Trong sáng 15/1, đại diện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin sự việc. Sở vào cuộc và đang xác minh, làm rõ sự việc.
Ngày 15/1, bà Thu (73 tuổi), chủ quán phở gà được TikToker Minh Lâm ghé ăn đã trích xuất camera chia sẻ lại một phần diễn biến vụ việc. Theo những hình ảnh ghi lại, nhân viên quán đã thu dọn đồ, cất gọn ghế và rổ bánh phở tại khu vực sát nơi bà Thu ngồi để nam thanh niên ngồi xe lăn có thể di chuyển vào. Nữ chủ quán bày tỏ, trong suốt 60 năm kinh doanh, thái độ ứng xử của bà với khách ra sao mọi người đều biết rõ. Bà không quan tâm đến câu chuyện Vũ Minh Lâm chia sẻ trên mạng xã hội vì “sự thật vẫn là sự thật, không có chuyện quán đuổi khách vì ngồi xe lăn”. Chủ quán khẳng định, nam TikToker cũng tươi cười, niềm nở thưởng thức món phở tại quán…
Một số người cho rằng, Vũ Minh Lâm “thêm mắm thêm muối” để tạo nội dung, “câu” tương tác trên mạng. Có người nhận định nam TikToker cố tình cài cắm tình tiết để khơi mào tranh luận về phân biệt vùng miền. Ngược lại, có người nghi ngờ quán phở thuê TikToker dùng chiêu trò để quảng cáo.
Sau vụ ồn ào, khách đến quán phở của bà Thu đông hơn hẳn. Còn bài viết của TikToker Vũ Minh Lâm nhận về gần 100 nghìn lượt tương tác.
Sáng tạo nội dung số: Đừng để trượt dài trên các lượt like
Chia sẻ với báo chí, đại diện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, về vụ việc của anh Vũ Minh Lâm, Thanh tra Sở đang tiến hành xác minh thông tin bằng nhiều biện pháp khác nhau. “Khi nào có kết luận, chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí trong thời gian sớm nhất” – đại diện này cho biết. Có vẻ câu chuyện vẫn chưa thật sự khép lại và sẽ còn nóng trong vài ngày sắp tới. Nhưng rõ ràng, đằng sau một câu chuyện mới là một vấn đề không mới: Câu chuyện về “cuộc chiến” tương tác trên mạng xã hội, khi mỗi nhà sáng tạo nội dung khát khao những lượt like, đôi khi đánh đổi bằng sự dối trá.
Bạn đã bao giờ từng bịa chuyện trên mạng xã hội? Khi nút like được “khai sinh” vào năm 2009, khi các nút tương tác cảm xúc khác xuất hiện lần đầu vào năm 2016, tôi tự hỏi Mark Zuckerberg có nghĩ rằng nó sẽ tạo ra một cuộc chiến của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hay không? Bạn đã bao giờ tự tưởng tượng ra một tình huống cảm động gặp trên đường và biến mình thành một người tốt trên bài đăng Facebook khi kể lại câu chuyện đó? Đã bao giờ bạn chia sẻ “mình từng nói chuyện với một người bạn…” nhưng thực ra không có người bạn nào như vậy?
Theo một nghiên cứu trên 2.000 người được tiến hành tại Anh vào năm 2015, cứ 1/5 người được phỏng vấn cho biết họ bịa ra những câu chuyện để đăng tải trên mạng xã hội. Tại sao họ làm như vậy? Một nghiên cứu khác tiến hành tại Viện công nghệ Massachussetts (MIT) cho thấy, các câu chuyện với thông tin giả sẽ được chia sẻ nhiều hơn 70% so với các câu chuyện thật trên Twitter. “Tin giả thường kịch tính, mới lạ hơn và công chúng thích những thông tin mới mẻ như vậy” – Sinan Aral – một giáo sư từ MIT chia sẻ.
Với những nhà sáng tạo nội dung, có lẽ không cần đến những nghiên cứu như vậy để họ hiểu rằng, để một thông tin có thể được lan truyền rộng rãi, (1) thông tin phải hữu ích, (2) thông tin phải hài hước, (3) thông tin phải đánh vào những cảm xúc mạnh của người đọc như sợ hãi, phẫn nộ, cảm thông, xót thương. Chúng ta không thể bịa ra một thông tin hữu ích khi có thể dễ dàng kiểm chứng và không phải ai cũng là người có khiếu hài hước nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bịa ra một câu chuyện đánh trúng tâm lý của công chúng.
Những câu chuyện đổi lại những lượt tương tác, tương tác sẽ giúp bất cứ ai trở thành influencer trên mạng xã hội, tăng tỷ lệ khách hàng online, hay nói cách khác giúp các nhà sáng tạo nội dung có thêm thu nhập. “Like, share, comment” đang trở thành thước đo cho sự thành công của nội dung trên mạng xã hội chứ không còn là chất lượng nội dung.
Nhưng sự bịa đặt nào cũng cần có một ranh giới mà cơ bản nhất, bạn không gây ảnh hưởng tới ai. Chuyện chưa ngã ngũ, chưa biết ai sai ai đúng, nhưng nếu câu chuyện của Vũ Minh Lâm là một câu chuyện bịa, thì nó không chỉ có khả năng hất đổ miếng cơm của một, hai nhà hàng mà còn có thể làm xấu hình ảnh của cả một Thủ đô.
Mạng xã hội trao cho những nhà sáng tạo nội dung công cụ để kể câu chuyện cuộc đời mình nhưng đi cùng với đó là “trách nhiệm” khi bạn có một lượng người theo dõi đông đảo. Xuất hiện trên mạng xã hội, câu chuyện cá nhân đã không còn là vấn đề của cá nhân khi ảnh hưởng tới hàng triệu người khác. Liệu sau này, khi có những câu chuyện tương tự như vậy xảy ra, người ta còn tin nữa không? Không ít người phải đánh đổi cả sự nghiệp khi bị bóc trần và chắc chắn đây sẽ là bài học cho những người đang muốn nổi tiếng “xổi” với content bẩn.
Trong thời buổi công nghệ bùng nổ như hiện nay, bạn không thể làm nội dung mà không nghĩ tới hậu quả được. Trong năm 2022, Tiktoker Nờ Ô Nô từng bị phạt vì những nội dung thể hiện thiếu sự tôn trọng với người cao tuổi. Đầu tháng 1/2024, một Tiktoker bị phạt 7,5 triệu đồng vì những nội dung không đúng sự thật về Angkor Wat. Mạng xã hội ảo chưa bao giờ “thật” đến vậy khi chúng ta không thể nói rằng mình chỉ đùa vui hay mình không biết.
Cần sự tỉnh táo của cộng đồng mạng
Trong thế giới hiện đại với sự bùng nổ thông tin, TikTok và các nền tảng xã hội khác đã nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất, đặc biệt là đối với giới trẻ, nhờ vào những video ngắn mang đến nội dung mới lạ và hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề về “nội dung bẩn” trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của dư luận từ lâu. Việc xuất hiện nhiều nội dung tiêu cực, không phù hợp, thậm chí là nhạy cảm và thiếu văn hóa từ các TikToker và YouTuber đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua.
Sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng và mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích trong giải trí, học tập và kinh doanh. Tuy nhiên, tính chất đào thải cao của mạng xã hội đã khiến một số người sáng tạo nội dung “bẩn” để thu hút lượt theo dõi, bất chấp những hậu quả tiêu cực.
Theo Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc đăng tải video có nội dung nhảm nhí, giật gân, câu like, câu view có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, người đăng tải cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, bao gồm việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật và đền bù thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, trong trường hợp đăng tải nội dung nhạy cảm và xúc phạm, có thể áp dụng các biện pháp hình sự như quy định tại Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Nội dung bẩn” không chỉ là vấn đề của cộng đồng mạng, mà còn là một “virus” tác động tiêu cực đối với xã hội, đòi hỏi sự hợp tác và đồng thuận từ cộng đồng mạng, cơ quan quản lý, và các nền tảng mạng xã hội. Để kiểm soát “virus nội dung bẩn” người dùng cần chấp nhận trách nhiệm và sử dụng tính năng “Báo cáo” khi phát hiện nội dung không lành mạnh. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, và người dùng mạng xã hội.
Theo ý kiến của chuyên gia, không thể chấp nhận cách làm content “bẩn” để câu view. Nếu các nội dung được đăng tải một cách tùy tiện mà không có sự kiểm duyệt, thanh lọc kỹ càng sẽ gây ra tình trạng lan tỏa thông tin sai sự thật, bóp méo, hạ bệ danh tiếng cá nhân, tổ chức tập thể…
Sự thật đúng – sai về về status của Vũ Minh Lâm như thế nào sẽ phải chờ kết luận thanh tra chính thức của cơ quan chức năng. Song, từ những sự việc tương tự, người sử dụng mạng xã hội cần nhìn nhận khách quan và kiểm chứng tính xác thực của thông tin một cách cẩn thận. Mỗi người dùng mạng xã hội đều cần phát huy vai trò và trách nhiệm để xây dựng một không gian số tích cực, lành mạnh; Chia sẻ thông tin có trách nhiệm và giữ cho mạng xã hội trở thành một “đầu cầu” thông tin chính xác, nhanh chóng sẽ góp phần lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng.
Khánh An