Theo bạn đọc Nhất Nguyên, câu chuyện nhiều người biến phòng chờ sân bay thành phòng khách nhà mình, không phải là chuyện mới xảy ra gần đây, mà nó đã tồn tại suốt thời gian dài.
Hành vi xấu xí này, đáng tiếc, không khó để bắt gặp mỗi khi có dịp đến những nơi công cộng.
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc này.
Biến nơi công cộng thành chốn riêng
Có lần, cả gia đình tôi đi chơi, mua sắm ở một trung tâm thương mại quận 7 (TP.HCM). Nơi đây có trang bị nhiều băng ghế dài lót nệm, bọc lại rất đẹp, rất êm, thích hợp để ngồi nghỉ chân. Vậy nhưng có không ít người đã nằm dài, chiếm trọn một mình một ghế.
Có người còn đem cả giày dép, đồ ăn để lên ghế rồi cứ thế “tám” điện thoại, không hề có ý định dọn cho gọn lại, nhường cho người lớn tuổi hay trẻ em ngồi nghỉ cho đỡ mỏi chân.
Lần khác, bước vào một quán cà phê có trang bị bàn gỗ dài khá đẹp cho khách ngồi. Giờ cao điểm, quán đông, khách nhiều, chỗ ngồi thì có giới hạn, vậy nên ai cũng chịu khó san sẻ chỗ với nhau.
Vậy nhưng vẫn có nhóm ba cô gái giành hết sáu cái ghế để bày túi xách và… đồ trang điểm lên, chiếm luôn cả phần lớn mặt bàn (vốn có thể dùng chung cho khách khác) để bày gương lược, rồi cứ thế trang điểm cho nhau, như chốn không người.
Khách khác phàn nàn, nhân viên lên nhắc nhở, được một lúc, đâu lại vào đó. Nhiều người đành tặc lưỡi.
Còn ở sân bay thì không hiếm gặp cảnh một người chiếm trọn một băng ghế, giày dép, túi xách, cái gì cho lên được là cho lên ghế hết.
Thậm chí, đang nằm mà cao hứng thò luôn chân qua dãy ghế kế bên hay xoạc chân gác lên ghế, tay bấm điện thoại, miệng thì cười nói hô hố, ầm ĩ cả một góc sân bay.
Bên ngoài sân bay, chỗ tiễn khách đi, cũng có một số gia đình biến thành phòng ăn, trải bạt, trải áo mưa, bày đồ ăn uống như đang đi… cắm trại.
Muốn “độn thổ” khi ở sân bay nước bạn
Không chỉ ở trong nước, mà khi ra nước ngoài, một số người Việt cũng thể hiện sự vô ý thức của mình.
Chứng kiến những người như vậy, bản thân tôi còn muốn “độn thổ”, nhưng không hiểu sao họ vẫn vô tư.
Đó là, một lần ở sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), nhiều ghế ngồi đã được vẽ ký hiệu, ghi chú bằng tiếng Anh và tiếng Thái với nội dung: Ghế ưu tiên, dành riêng cho nhà sư, phụ nữ mang thai, có con nhỏ, người lớn tuổi, người sử dụng nạng chống, xe lăn… Nhưng rất nhiều người vẫn dẫn nhau vào ngồi.
Khách khác thấy vậy đến nhắc nhẹ chỗ này ghế ưu tiên, có thể qua chỗ khác ngồi, nhưng cả nhóm vẫn bỏ ngoài tai, tiếp tục ngồi chỗ ghế ưu tiên, dù họ chẳng thuộc nhóm nào trong danh sách ưu tiên.
Cách đây chưa lâu, trong khi chờ ra máy bay ở nhà ga T4, sân bay Changi (Singapore), lần nữa, tôi lại được dịp chứng kiến sự thiếu ý thức đến lạ lùng.
Ngoài những chiếc ghế được xếp thành dãy, nơi đây còn nhiều ghế dạng sofa để khách ngồi chờ. Vậy mà có người thản nhiên nằm dài ra như ở nhà mình. Khi có người đến nhắc thì lại ném cho cái nhìn thiếu thiện cảm rồi lấy cặp kính đen đeo vào, xong tiếp tục nằm đó.
Đây là cách hành xử ở chốn công cộng đó sao?
“Ăn trông nồi ngồi trông hướng”
Người Việt mình có câu tục ngữ rất hay: “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” để dạy cách thích nghi với từng trường hợp, nhưng rất tiếc ít được áp dụng trong cuộc sống.
Có ý kiến cho rằng tại các ghế ngồi được xếp liền nhau, hay thiết kế theo dạng sofa, thoải mái quá nên mới tạo điều kiện cho nhiều người “chiếm cứ”, biến thành không gian riêng. Nhưng tôi lại cho rằng, nói vậy, chẳng khác nào tâm lý đổ lỗi cho “cái ghế”.
Cái ghế ở sân bay hay quán cà phê, trung tâm thương mại hoàn toàn không có lỗi!
Nếu ai đã từng phải quá cảnh qua đêm, đợi mấy tiếng sau mới đi tiếp ở sân bay thì có thể hiểu được những chiếc ghế dài, xếp liền nhau hay ghế sofa có ý nghĩa biết dường nào, giúp khách có thể nằm nghỉ ngơi, chợp mắt qua đêm.
Dĩ nhiên, đó là lúc sân bay cực vắng. Còn ban ngày, khi xung quanh mình nhiều người còn không có chỗ ngồi thì những người có ý thức chẳng ai lại làm thế bao giờ!
Nguồn: https://tuoitre.vn/cai-ghe-o-san-bay-khong-co-loi-2024093012045536.htm