Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng vấn đề then chốt nhất để đất nước bước vào kỷ nguyên mới chính là cải cách thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy cả hệ thống chính trị; đồng thời phải làm từ trên xuống dưới, với sự quyết liệt thì mới thành công.
LÀM SÁNG TỎ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VỀ KỶ NGUYÊN MỚI
Sáng 15.11, Hội đồng khoa học các cơ quan T.Ư và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Phát biểu đề dẫn khai mạc, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn nêu rõ, trong các bài phát biểu, bài viết quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập vấn đề Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.Hội thảo khoa học quốc gia Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
Ảnh: Phạm Hải
ĐỘT PHÁ VỀ TƯ DUY, NHẬN THỨC
GS-TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng yêu cầu bao trùm trong kiến tạo kỷ nguyên mới là phải tiến hành "đột phá kép". Một mặt, phải đột phá đi thẳng vào hiện đại, vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số; vào quản trị quốc gia hiện đại tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mặt khác, phải đột phá trong việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn, những yếu kém, hạn chế, những khó khăn đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước. Theo ông Phú, quá trình đột phá kép này, như Tổng Bí thư Tô Lâm xác định, chính là "tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức để đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh". Trong các yêu cầu lịch sử trong kỷ nguyên mới, GS-TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh yêu cầu có ý nghĩa đột phá khẩu là "đột phá về tư duy, nhận thức". Theo ông, chính đột phá bước vào kỷ nguyên thống nhất, đổi mới, phát triển (từ năm 1975 - 2025), Đảng ta bắt đầu bằng đổi mới tư duy, nhận thức. Chính đột phá tư duy lý luận đã khai mở con đường đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra những thành tựu vĩ đại trong 40 năm đổi mới vừa qua. Từ đó, ông Phú cho rằng cần có những đột phá lý luận với cách tiếp cận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về lộ trình và bước đi; về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp với cuộc cách mạng số, kỷ nguyên số; về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc trong kỷ nguyên mới... Trên cơ sở đó, đột phá trong định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của đất nước. GS-TS Phùng Hữu Phú cũng nhấn mạnh kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Để thực hiện điều này, sẽ có rất nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt nhưng vững chắc để có được một hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, hợp lý, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả. Cùng đó, là đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm khiết, mẫu mực, hết lòng vì Đảng, vì dân. "Đây thực sự là một cuộc cách mạng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Phú khẳng định.Tháo điểm nghẽn để đột phá về KH-CN, xây dựng nền sản xuất công nghệ cao được Đảng và các chuyên gia đánh giá là một trong những vấn đề then chốt để đất nước bước vào kỷ nguyên mới
ẢNH: PHẠM HÙNG
CUỘC CÁCH MẠNG TỪ TRÊN XUỐNG
PGS-TS Lê Minh Thông đánh giá vấn đề then chốt nhất để đất nước bước vào kỷ nguyên mới chính là cải cách thể chế để tạo ra hệ thống thể chế mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển. "Ta phải đổi mới tư duy, nâng cao quyết tâm chính trị để tháo gỡ một cách căn bản những điểm nghẽn, nút thắt cho hệ thống thể chế mà hiện đang cản trở sự phát triển. Muốn làm được phải có sự nỗ lực, quyết tâm của cả bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị", ông Thông chia sẻ thêm bên lề hội thảo. Ông Thông phân tích "nhân vật" làm nên thể chế chính là hệ thống chính trị. Do đó, đột phá thể chế, trước hết là đột phá vào nơi mà nó sản sinh ra thể chế, đó chính là hệ thống chính trị. "Đổi mới hệ thống chính trị chính là khâu đột phá tạo ra động lực phát triển", ông Thông nêu và nhấn mạnh đổi mới tổ chức hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy cần phải được xem là cuộc cách mạng thực sự và phải rất quyết liệt để làm mới có thể thành công. Về cách thức đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng đầu tiên phải đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng; và việc đầu tiên, là phải khắc phục sự song trùng bộ máy. Ông kiến nghị Đảng phải sử dụng bộ máy nhà nước làm công cụ tham mưu quan trọng của mình để tinh gọn bộ máy của Đảng. Cạnh đó, phải nghiên cứu để nhất thể hóa các chức vụ lãnh đạo giữa Đảng và bộ máy nhà nước theo nguyên lý trong một tổ chức, địa phương chỉ có một người đứng đầu. Với nhà nước, ông Thông kiến nghị phải tư duy lại để chuyển từ "tư duy có quyền" sang "tư duy phục vụ". Nhà nước phải đổi mới tư duy, và chỉ làm những việc xã hội không làm được, nền kinh tế không làm được, doanh nghiệp không làm được, chứ không thể ôm đồm, sẽ nhiều việc và không làm đến nơi, đến chốn. Cùng đó, nhà nước cũng phải tinh gọn chính mình trên nguyên tắc phổ quát là quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. "Không chỉ bộ máy Chính phủ mà còn bộ máy chính quyền các cấp, tất cả đều trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực để thu gọn bộ máy lại", ông Thông kiến nghị. Tương tự, ở Quốc hội, ngoài tổ chức lại bộ máy theo nguyên tắc trên, ông Thông cho rằng cần phải đổi mới tư duy lập pháp để chỉ làm luật trong phạm vi được Hiến pháp quy định, tôn trọng quyền lập quy của Chính phủ. Còn địa phương cần được phân cấp, phân quyền thật mạnh theo nguyên tắc: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; đồng thời phân cấp, phân quyền dựa trên điều kiện cụ thể, chứ không tràn lan, bình quân. "Các địa phương như nhau thì phân quyền không hiệu quả", ông nói. Ông Lê Minh Thông cũng nhấn mạnh "cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này là phải làm từ trên xuống". Vì nếu để các cơ quan đề xuất tự mình đổi mới thế nào thì rất khó khăn. Ông kiến nghị có một chương trình, đề án toàn quốc, có chỉ đạo chặt chẽ, để tất cả cấu trúc của hệ thống phải đồng thời cải cách. Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Minh Thông, cốt lõi nhất trong tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy của hệ thống chính trị. "Muốn như vậy phải đổi mới công tác cán bộ. Đây là chìa khóa vì cán bộ là gốc vấn đề. Làm sao cán bộ được lựa chọn một cách minh bạch, cạnh tranh và thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc vươn mình của dân tộc", ông Thông nhấn mạnh và đề xuất 2 giải pháp cụ thể là đổi mới bầu cử và công khai hóa công tác cán bộ. Theo ông, khi minh bạch và dựa vào dân để làm, công tác cán bộ sẽ khắc phục được tình trạng đúng quy trình mà không đúng người lâu nay. "Trao cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quyền tham gia vào lựa chọn cán bộ thì chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ", ông Thông khẳng định.Kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc
Ảnh: Phạm Hải
Đột phá trong quản lý, sử dụng nguồn lực kinh tế
Tháo điểm nghẽn phát triển KH-CN trong kỷ nguyên mới
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/cai-cach-the-che-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi-185241115232039603.htm
Bình luận (0)