(MPI) – Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 15 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế – xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng và đáng khích lệ, khả năng đạt 15/15 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI |
Sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn trên cơ sở nắm bắt và dự báo cơ bản sát tình hình, có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn thách thức phía trước còn nhiều, tập trung chủ yếu vào 5 lĩnh vực. Thứ nhất là ngành nông nghiệp và du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Thứ hai, xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn như: Xung đột giữa các nước trên thế giới, cạnh tranh, bảo hộ.
Thứ ba, sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào các thị trường lớn.
Thứ tư, đầu tư phục hồi chậm, nhất là vốn đầu tư tư nhân và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả thấp. Trong khi đó, việc tháo gỡ khó khăn ách tắc rất chậm, lãng phí rất nhiều nguồn lực.
Thứ năm, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy và khai thác một cách hiệu quả.
Về những giải pháp cuối năm và những tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện về thể chế và coi đây là giải pháp đột phá của đột phá. Theo đó, thực hiện hiệu quả các luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là tại kỳ họp thứ 8 này, Chính phủ đang trình Quốc hội rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đầu tư công nhằm giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở phát triển, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển, từ nguồn lực đầu tư nhà nước, nguồn lực tư nhân đến vốn nước ngoài.
Hai là, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; ba là, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; bốn là, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; năm là đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tăng cường thu hút vốn FDI có chọn lọc, đặc biệt là án lớn, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; sáu là tiếp tục đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…
Nhiều điểm mới quan trọng, đột phá trong xây dựng thể chế nhằm khơi thông các nguồn lực
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh và làm rõ thêm hai vấn đề, đó là đổi mới thể chế và phân cấp phân quyền. Theo đó, về thể chế, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ tiến hành rất quyết liệt, tập trung cao độ cho đổi mới thể chế; Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập rất nhiều và yêu cầu rất cao với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Trong quá trình đổi mới thể chế, Chính phủ cũng luôn nhận được sự đồng hành của Quốc hội, thể hiện rất rõ ngay trong kỳ họp này. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các luật, nghị định với nhiều quy định mới, đột phá. Đơn cử như trong dự thảo sửa đổi Luật đầu tư công lần này, Chính phủ đề xuất tách giải phóng mặt bằng dự án nhóm B và nhóm C để làm công tác chuẩn bị trước; đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền cho phép địa phương được đầu tư ngân sách phát triển của trung ương, cho địa phương này được dùng ngân sách để đầu tư dự án địa phương khác mà có tính liên vùng…
Về Luật Đầu tư sửa đổi lần này cũng có đột phá mạnh; sẽ thiết kế “luồng xanh” những dự án công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo danh mục Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Theo đó, đối với dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ đơn giản hóa các thủ tục. Thứ nhất là sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần giấy đăng ký đầu tư và trong vòng 15 ngày phải cấp xong giấy đăng ký cho nhà đầu tư.
Thứ hai là, đối với thủ tục xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy thì các nhà đầu tư tự lập và tự phê duyệt theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được ban hành đối với dự án công nghệ cao theo danh mục đã được ban hành; nhà đầu tự làm, tự chịu trách nhiệm và không cần phải trình cơ quan cấp trên duyệt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự án Luật Đầu tư công sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu có những đổi mới cải cách rất mạnh mẽ; nhiều điểm mới quan trọng, đột phá nhằm khơi thông được các nguồn lực. Đây cũng là yêu cầu của Bộ Chính trị, của Quốc hội, Chính phủ.
Về những điểm mới và đột phá của công tác thể chế, khắc phục được những điểm nghẽn trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua theo tinh thần chuyển đổi tư duy mạnh mẽ, vừa quản lý được nhưng cũng vừa kiến tạo để phát triển; giải phóng sức sản xuất, khơi thông các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân công rõ trách nhiệm theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đó là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Còn Chính phủ và Quốc hội sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng cơ chế chính sách và tăng cường kiểm tra giám sát một cách “đúng vai, thuộc bài” như Tổng Bí thư đã yêu cầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để triển khai các dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này, góp phần thu hút vốn đầu tư cho phát triển, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, kịch bản đã đề ra.
Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình trạng này không có gì mới, vẫn là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy, cộng thêm thiên tai bão lũ và mưa kéo dài ảnh hưởng thi công… Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường thành lập các đoàn, tổ công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt kế hoạch đã được đề ra.
Liên quan tới giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 23/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, trong đó giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban chỉ đạo và Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Các Thành viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Thanh tra Chính phủ; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (chỉ đạo công tác kiểm sát thi hành án dân sự) và Kiểm toán Nhà nước.
Ban chỉ đạo sẽ rà soát các dự án ách tắc để phân loại nguyên nhân và đề xuất cách xử lý; qua đó nhằm giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp ngay cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đang quyết tâm rất lớn song cũng xác định đây là vấn đề rất khó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-10-28/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-cai-cach-dot-pha-nham-khr5tfok.aspx