Đề cập đến nguồn thu báo chí cũng như tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí trước các nền tảng xuyên biên giới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến yêu cầu cần có cải cách đột phá về cơ chế cho báo chí, mà theo đó có thể chấp nhận cho các cơ quan báo chí có hai cơ chế hoạt động song song, vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp.
Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: MIC.GOV
“Miếng bánh” kinh tế báo chí ngày một nhỏ đi
Các dữ liệu từ Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông – TTTT) chỉ ra, cho dù là loại hình báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí hiện vẫn đang dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% tổng nguồn thu, sự sụt giảm nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là với loại hình báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.
Song có một thực tế là nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều hơn.
Trong khi đó, các số liệu từ Bộ TTTT cũng cho thấy, các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đang lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. Nhiều tờ báo đang thực hiện quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp (như Google, Facebook…), làm cho chi phí quảng cáo của doanh nghiệp tiếp tục đổ vào các nền tảng này, khiến doanh thu báo chí ngày càng eo hẹp dần.
Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
Trong bối cảnh hiện nay khi chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có: Cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng; thu hút độc giả trước những thay đổi hành vi của độc giả do công nghệ làm báo mới; định hướng dư luận xã hội, phát huy vai trò “dòng chảy chính” trong bối cảnh thiếu nguồn lực.
Do vậy, bên cạnh việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước; để triển khai được việc thu phí nội dung trên báo chí điện tử, báo chí cần chuyển đổi số, hình thành sản phẩm báo chí số để thực hiện mô hình kinh doanh mới.
Chuyển đổi số trong báo chí là việc sử dụng các công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội. Chuyển đổi số cũng gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới.
Báo cáo của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA) cho thấy: Chuyển đổi số được đặt ở vị trí trung tâm, được xem là mục tiêu cấp thiết, nhưng đồng thời cũng là quá trình dài hạn, không chỉ để tiếp cận với đông đảo độc giả hơn, sáng tạo ra những sản phẩm báo chí mới mà còn nhằm tăng trưởng lợi nhuận.
Cải cách đột phá cơ chế cho báo chí
Nhìn nhận một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng ta là tuyên truyền, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh báo chí là lực lượng tuyên truyền xung kích và chủ lực. Trước đây, vũ khí là trang giấy cây bút, nay còn thêm công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số. Trước đây, cơ quan báo chí viết báo, nay cơ quan báo chí tạo ra nền tảng số để nhiều người tham gia viết báo. Mà nền tảng số chính là công nghệ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TTTT, khác với thời điểm trước đây khi chỉ có báo chí viết bài, ở thời điểm hiện nay, nhà nhà người người cùng viết trên mạng. Vậy nên, báo chí phải có công cụ công nghệ để đánh giá được xu thế thông tin, tâm trạng người dân trên không gian mạng để viết bài định hướng dư luận. Và đó cũng là công nghệ.
Một cơ quan báo chí được gọi là đã chuyển đổi số sẽ phải có tới 30% chi phí, cả chi đầu tư và chi thường xuyên, là dành cho công nghệ. Về nhân lực cũng cần có tới 30% là dân công nghệ.
Vừa qua, ngân sách dành cho đầu tư báo chí rất khiêm tốn (0,22% tổng chi đầu tư của nhà nước), sau khi có Chiến lược Chuyển đổi số báo chí, nguồn đầu tư này vẫn chưa tăng thêm. Bộ TTTT đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chủ quản báo chí đầu tư công nghệ số để hiện đại hóa cơ quan báo chí của mình. Một trong những thuận lợi lớn để chuyển đổi số báo chí, hiện đại hóa công nghệ số cho báo chí là có nhiều công ty công nghệ số mạnh, xuất sắc, khi có ngân sách đầu tư là có thể giao nhiệm vụ cho họ thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cơ quan báo chí vừa là một đơn vị sự nghiệp lại vừa là doanh nghiệp. Là đơn vị sự nghiệp vì thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, cung cấp dịch vụ thông tin như là dịch vụ công, bởi vậy cần được Đảng và Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng. Nhưng cơ quan báo chí bây giờ phải cạnh tranh với các nền tảng số, phải thu hút được lực lượng làm báo, làm truyền thông có chất lượng trên thị trường, phải chấp nhận các cơ chế của thị trường.
Vì vậy, cơ quan báo chí cũng phải hoạt động như doanh nghiệp. Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có hai cơ chế hoạt động song song: Vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp.
“Báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận” – Bộ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh.
Theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu 100% số cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.