Quyết định phá bỏ vườn vải gắn bó với cả đời người với anh Hữu đó là một sự khó khăn, bởi sự phản đối của mọi người trong gia đình, dòng họ đã là một cửa ải vô cùng gian nan.
Ở ngay giữa thủ phủ vải thiều, anh lại xây dựng cho mình một trang trại trồng bưởi, cam rộng lớn và bây giờ, điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn của anh đã cho những mùa quả ngọt đúng nghĩa. Nhìn lại hành trình gây dựng vườn cây ăn trái đẹp như mơ này, chắc hẳn anh đã phải đấu tranh rất nhiều mới có thể đi đến quyết định đưa cây bưởi da xanh của miền Nam về trồng trên đất vải?
– Trước đây, quả đồi này vốn là vườn vải thiều được cha ông tôi gây dựng từ nhiều năm trước, là một trong những vườn vải lớn nhất xã Thanh Hải. Nói vậy để thấy, vườn vải này đã gắn bó với biết bao con người, đã thấm bao mồ hôi, nước mắt và nuôi chúng tôi lớn khôn.
Bản thân tôi cũng lớn lên dưới vườn vải này, từng lăn lộn chở từng sọt vải ra chợ bán, từng vui mừng khôn xiết khi năm đó vải được giá được mùa, từng xót đến từng khúc ruột khi trái vải mình chăm sóc một nắng hai sương vất vả mà bị trả giá quá bèo bọt. Diện tích vải ở Lục Ngạn phát triển quá nhanh lại thu hoạch trong thời gian ngắn, trong khi thị trường lại chỉ phụ thuộc chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc nên một thời gian dài, giá vải xuống thấp, thu nhập của người trồng vải rất bấp bênh. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.
Người Lục Ngạn ai cũng yêu cây vải, lớn lên và già đi cùng nó nhưng cuộc sống thì luôn vận động. Không thể để gia đình mãi vất vả, tôi nghĩ đã đến lúc phải chuyển hướng. Do vậy, tôi quyết định phải thay đổi cơ cấu sản xuất, chuyển sang trồng các loại cây có múi.
Từ bỏ loại cây đã gắn bó như máu thịt, phá khu vườn được gây dựng qua bao thế hệ, tôi nghĩ với anh đó không hề là một quyết định dễ dàng?
– Đúng như vậy, tôi đã mất một thời gian dài đấu tranh với chính mình, một bên khao khát làm giàu, khao khát đưa những cây trồng mới vào thử nghiệm với một bên muốn giữ lại sự ổn định, bởi dù thế nào, cây vải thiều cũng giúp nông dân Lục Ngạn có cơm ăn áo mặc.
Chính vì vậy, khi tôi đưa ra ý tưởng phá bỏ vườn vải để trồng bưởi, cam, tôi đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của các cụ và anh em trong dòng họ, bởi bạn cũng thấy người Lục Ngạn yêu cây vải, gắn bó với cây vải thiều như thế nào, trong khu vườn đó còn có những cây vải tổ được trồng mấy chục năm, thân cây rất to in hằn bao nhiêu dấu vết của thời gian, năm tháng.
Khi tôi bắt đầu phá bỏ vườn vải khoảng năm 2006, các cụ trong dòng họ đã ra sức phản đối, lúc đó, không khí trong gia đình hết sức căng thẳng. Tôi nghĩ một phần các cụ và anh em tiếc vườn vải đã bao năm gây dựng, đã gắn với sự thăng trầm của cả gia đình, phần nữa họ lo lắng cho tôi, họ sợ tôi thất bại với một cây trồng đang còn rất mới mẻ với đất Lục Ngạn.
Tôi nhớ, khi tôi phá đi những cây vải đầu tiên, các cụ xúm vào mắng: “Thằng này mày ăn gì mà ngu thế hả”, tôi đành dành thời gian thuyết phục kiểu mưa dầm thấm lâu, tôi muốn các cụ hoàn toàn tin tưởng khi giao lại đất đai, vườn tược cho con cháu canh tác. Tôi nghĩ, đất không phụ công người, nếu mình có tâm và nỗ lực, chắc chắn dù là trồng vải hay bưởi hoặc bất kỳ cây trồng nào khác cũng sẽ có được thành quả xứng đáng.
Sau khi làm công tác tư tưởng với các cụ, tôi mất thêm một thời gian kiến thiết vườn, năm 2009 tôi bắt đầu đặt những cây bưởi da xanh đầu tiên của miền Nam xuống đất Thanh Hải.
Khi đã vượt qua được “cửa” của các cụ trong làng, khó khăn tiếp theo lại xuất hiện đó là tôi không biết lấy được nguồn giống cây có múi ở đâu để đảm bảo chất lượng. Tôi phải nhờ chuyên gia của viện nghiên cứu đặt giúp toàn bộ cây giống bưởi da xanh từ trong miền Nam ra. Tôi còn đi khắp các trang trại lớn ở Hưng Yên, Hòa Bình xem người ta trồng cam, bưởi ra sao để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm; xem các chương trình tập huấn kỹ thuật trên truyền hình rồi tự “vỡ” ra thôi chứ chưa từng qua một lớp đào tạo nào về trồng cây có múi.
Chọn một cây trồng mới, đang rất “hot” của miền Nam về trồng trên đất vải, lại còn xác định ngay từ đầu là canh tác theo hướng hữu cơ. Có vẻ quyết định của anh rất là “đi trước thời đại” đó?
– Khi mới mua cây giống về, tôi cũng hăm hở nghĩ mọi việc đơn giản. Nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy có nhiều cái khó hơn cả mình nghĩ. Bạn cứ tưởng tượng, do xác định trồng theo hướng hữu cơ nên chỉ tính riêng lượng phân chuồng cho khoảng 10ha cam, bưởi đã lên đến 300 tấn, phân bón chất cao như núi ở góc vườn, chưa kể tiền thuê người chăm sóc, tưới tiêu…
Nhưng dù rất khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm theo hướng hữu cơ bởi xác định đó là con đường bền vững, vừa giúp sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa bảo vệ sức khoẻ cho chính người sản xuất. Vườn nhà tôi sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học như: phân trâu, cá ngâm vi sinh, đỗ tương lên men vi sinh… để bón cho cây. Để phòng trừ sâu bệnh, tôi rắc vôi bột, phun chế phẩm vôi với đồng để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây.
Và kết quả, như các bạn thấy, vườn cam, bưởi của gia đình tôi được đánh giá là một trong những vườn cây có múi chất lượng nhất của huyện Lục Ngạn. Nhiều diện tích cây có múi ở miền Bắc có hiện tượng thoái hóa, bị bệnh vàng lá nhưng may mắn vườn nhà tôi vẫn phát triển tốt. Tôi nghĩ, đó là do tôi đã chọn trồng theo hướng hữu cơ nên cây phát triển tự nhiên, cứng cáp và khỏe mạnh.
Đó là chưa kể, khi mới trồng tôi không biết làm cách nào để bắt cây ra trái theo ý muốn, đúng thời điểm mà mình mong muốn. Rất nhiều gian nan nhưng cứ chịu khó học hỏi, nghiên cứu, tôi cũng thuộc được “tính cách” của từng giống cam, bưởi có mặt trong khu trang trại 10ha này.
Cảm giác của anh khi được thu những trái ngọt đầu tiên như thế nào?
– Tôi nhớ năm 2016, trang trại của tôi chính thức cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng rất lớn, riêng bưởi da xanh đã được 60 – 70 tấn. Nhìn những trái bưởi, cam lúc lỉu, la đà trên cây, tôi biết mình đã đi đúng hướng. Năm đó, huyện Lục Ngạn lần đầu tiên tổ chức chương trình: “Mùa quả ngọt”, vườn bưởi, cam nhà tôi cũng tham gia giới thiệu sản phẩm, bán với giá rất cao, lên tới 50.000 đồng/kg. Mọi người đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi ngay trên đất vải lại có thể trồng được thứ trái cây của miền Nam với chất lượng thơm ngon đến thế. Thành công ban đầu này đã giúp gia đình tôi ổn định kinh tế, tiếp tục tái đầu tư sản xuất.
Ngay trong vụ đầu tiên vườn bưởi đã mang lại cho gia đình tôi 1,2 tỷ đồng, gấp đôi thu nhập từ vải thiều. Đó là một số tiền cực lớn. Khi vườn bưởi được thu hoạch tôi mới trút được gánh nặng với cả họ khi đã cả gan phá cả vườn vải đi. Năm nay, vườn trái cây nhà tôi cũng cho thu hoạch khoảng 300 tấn trái, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình tôi còn lãi khoảng 3 tỷ đồng.
Giờ thì các cụ nhà anh nói sao?
– Các cụ bảo tôi: “Không ngờ nó lại nghĩ xa thế!” (cười). Thú thực, tôi rất mừng vì đạt được thành quả hôm nay, càng mừng hơn là liên kết cùng các nhà vườn trồng cây có múi khác ở Thanh Hải thành lập Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải từ năm 2021 với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm phát huy tối đa lợi thế từ cây chủ lực là cam, bưởi trên địa bàn.
Các thành viên của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải cũng chủ yếu trồng cây có múi với tổng diện tích khoảng 60 – 70ha, sản lượng năm 2023 ước đạt trên 500 tấn cam, bưởi.
Chiều 28/11/2023, một sự kiện mang tính bước ngoặt đến với gia đình anh Nguyễn Văn Hữu và Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải khi Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn chính thức được khai trương, sau khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang quyết định công nhận Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn vào tháng 7/2023. Một hành trình mới với anh Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Bắc Giang chính thức bắt đầu.
Trên trang cá nhân của doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, hình ảnh vườn bưởi của anh đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người khi dưới những chùm bưởi la đà chín vàng, người ta có thể tổ chức hội họp, liên hoan. Đâu là cơ duyên để anh biến trang trại của mình thành một trong những điểm du lịch sinh thái đầu tiên ở Lục Ngạn?
– Nhiều năm nay, lãnh đạo huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đều tổ chức các chương trình giới thiệu mùa quả ngọt của địa phương, đất Lục Ngạn mùa nào thức ấy, hết vải đến táo, na, cam, bưởi,… Khi tổ chức các chương trình, nhiều đoàn khách tham quan đã được giới thiệu vào trang trại của tôi. Mọi người đến xem, thấy vườn đẹp, bưởi ngon thì cứ thế lan tỏa, giới thiệu cho nhau, cứ thế, khách kéo đến ngày một nhiều.
Hơn nữa, chủ trương của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn những năm qua là đẩy mạnh các mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, trang trại của tôi may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo huyện, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang. Tháng 7/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã có quyết định công Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn do Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải là đơn vị sở hữu và quản lý điểm du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu chúng tôi tổ chức vận hành Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn theo mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp quản lý, hướng dẫn điểm du lịch hoạt động hiệu quả bền vững theo quy định của pháp luật.
Như các bạn đã thấy, khi đến Hoa Quả Sơn, ngoài việc trải nghiệm dịch vụ ăn nghỉ và tham quan trải nghiệm vườn cây ăn trái nhà tôi còn có thể thăm chùa Xẻ Cũ kết hợp với tham quan các điểm du lịch hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, trải nghiệm tại làng nghề làm mỳ Chũ truyền thống, thăm bản làng người dân tộc trên địa bàn.
Tháng 11/2023, chúng tôi chính thức tổ chức khai trương Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn, sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi, các sản phẩm đặc trưng và chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa Thu- Đông” năm 2023, hôm đó, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, lãnh đạo huyện Lục Ngạn về dự rất đông đủ, làm chúng tôi càng vững tin với lựa chọn mới của mình, quyết tâm biến Thanh Hải trở thành một điểm đến mới trên bản đồ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Những vị khách đến tham quan Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn và ấn tượng với vườn bưởi trĩu quả
Thú thực khi bước chân vào khu vườn của anh, cảm giác đầu tiên của tôi là sự yên bình và no ấm, có lẽ là vì màu vàng của những trái bưởi chín khiến ai cũng thấy ấm áp. Còn anh, khi được đón những vị khách đầu tiên đến với mình, cảm giác của anh như thế nào?
– Khỏi phải nói tôi vui và xúc động như thế nào, khách thập phương đến chơi, khen quê tôi nhiều cảnh đẹp, trái cây ngon, bà con thân thiện hiền hòa nên tôi vui lắm. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày trang trại của mình sẽ thành một điểm du lịch, cũng chưa kịp chuẩn bị kỹ năng cho việc đón tiếp du khách đến với mình. Do vậy, tôi cứ cố gắng giúp du khách được trải nghiệm những gì chân thực nhất của địa phương mình, được ăn những món ăn ngon nhất để giữ chân họ. Tôi cũng xây thêm chỗ nghỉ chân, ăn uống, check in cho khách. Rất may là ai đến đây cũng đều thấy thoải mái, vui vẻ, nhiều khi họ còn hăng hái cùng công nhân trong trang trại ra vườn thu hoạch bưởi. Với tôi, đó là một thành công rồi.
Dù mới đưa vào khai thác du lịch nhưng may mắn Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn đã được nhiều người biết đến, bình quân mỗi ngày tôi đón 200 lượt khách, ngày cuối tuần có hôm tôi đón gần 1.000 người. Ai đến cũng khen tôi trồng bưởi mát tay, vui lắm.
Nhưng với một mô hình du lịch còn khá mới mẻ, để vận hành nó hiệu quả trong tương lai, anh đang có những dự định gì?
– Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay là chưa đủ cơ sở lưu trú cho khách du lịch, đường vào trang trại vẫn còn khó khăn. Tôi dự định trong năm tới sẽ xin phép ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng thêm homestay ngay giữa vườn vải để khách có thể lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn cuộc sống của người nông dân và nông thôn Thanh Hải.
Bạn cứ tưởng tượng xem, vào mùa hoa bưởi ngát hương hay khi trái chín, chỉ cần mở cửa sổ bạn đã thấy hương bưởi thơm nồng, còn gì tuyệt hơn. Tôi cũng muốn kết nối để khách tham quan có thể trải nghiệm thêm nhiều khu vườn khác ở Thanh Hải và Lục Ngạn.
Đất Lục Ngạn bốn mùa hoa trái nên tôi nghĩ tiềm năng du lịch sinh thái là rất lớn, quan trọng là chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách trong phát triển hạ tầng du lịch; tạo điều kiện cho chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng đón khách, chăm sóc khách hàng để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. Tôi cũng đang có dự định mở rộng quy mô điểm du lịch nhưng sẽ làm từng bước, chậm mà chắc để giữ chân du khách lâu hơn.
Tại sao anh lại đặt tên cho khu vườn của mình là Hoa Quả Sơn, nghe như vương quốc của Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký?
– Đơn giản vì tôi yêu cây cối, yêu vườn tược. Tôi thấy mình đang sống rất vui và hạnh phúc giữa khu vườn của mình, mỗi ngày nhìn chúng đơm hoa kết trái, được đón những vị khách mới đến tham quan, trải nghiệm là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Trong tương lai, tôi mong Thanh Hải có thêm nhiều điểm du lịch như thế, để nơi này không chỉ là một “vựa” trái cây lớn mà còn là điểm đến hấp dẫn, say lòng du khách suốt bốn mùa xuân hạ thu đông.
Năm 2023, với những nỗ lực của mình, anh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Anh vẫn chưa quên giây phút được vinh danh đầy tự nào này chứ?
– Khi được công nhận là Nông dân Việt Nam xuất sắc, tôi thực sự rất xúc động, bởi danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là mơ ước của bất kỳ người nông dân nào, nó chứng tỏ những nỗ lực, vất vả của chúng tôi đã được ghi nhận một cách xứng đáng, cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, làm tốt hơn nữa so với ngày hôm qua để xứng đáng với danh hiệu này.
Khi trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc, tôi còn có cơ hội tham dự các cuộc giao lưu, đối thoại, diễn đàn, giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, có thêm những người bạn mới ở khắp mọi miền.
Với kinh nghiệm của mình, tôi rất sẵn lòng tham gia chia sẻ cách sản xuất, chăm sóc cây có múi cùng bà con nông dân để ai cũng đạt được thành quả, biến mỗi khu vườn trở thành nơi cho hoa thơm, trái ngọt.
Xin cảm ơn anh!