Có thể là thế thật. Từ khi đặt chân vào làm dịch vụ – dịch vụ du lịch, tôi cam đoan rằng, làm cái nghề nào thì không biết chứ đã làm dịch vụ du lịch thì phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thay đổi, luôn luôn phải ngẫm nghĩ và điều chỉnh… Và một điều nữa – “cấm cãi”. Vì sao vậy? Vì là nghề làm dâu trăm họ!
Không nhiều, mỗi năm tôi đón chừng 2.000 khách, gần như tuyệt đối là các bạn trẻ. Và phần lớn là các bạn hài lòng nhưng cũng có bạn sau khi lưu trú rồi bảo hơi xa. Phần lớn thì cho rằng không gian yên tĩnh, rất thích nhưng có bạn lại nói yên ắng quá. Có người thích cách bài trí không gian phòng, không gian vườn, không gian sinh hoạt chung, nhưng cũng có người chê trong phòng không có ti vi… Nói chung không ai có cách nghĩ giống ai. Nhưng có một điều là, tôi luôn ngẫm nghĩ và cố gắng điều chỉnh. Nhưng dù điều chỉnh như thế nào vẫn phải giữ tiêu chí ban đầu: tạo ra một không gian hoàn toàn yên tĩnh. Không gian sống tuy nhỏ nhưng gần gũi với thiên nhiên nhất. Vật liệu sử dụng ít ảnh hưởng đến môi trường nhất (tôi sử dụng nhiều đồ gỗ tái chế).
Nêu câu chuyện để nói rằng, đã làm dịch vụ thì anh phải mường tượng cho được là anh có ý định đón những dạng khách như thế nào. Từ đó sẽ định hình cách tạo ra không gian sống của anh, cách làm dịch vụ của anh. Một không gian nào đó, một cung cách dịch vụ nào đó dù có hoàn hảo đến bao nhiêu cũng khó có thể làm hài lòng hết tất cả mọi người. Nhưng điều cần phải có là số người thích phải là con số áp đảo, tức là nó phù hợp với số đông. Đó là lý do để nó tồn tại.
Trở lại câu chuyện Bạch Mã. Tôi cũng vừa có một chuyến đi Bạch Mã, ngủ lại 1 đêm. Tất nhiên thì cũng như mọi người thôi, buổi chiều thì “săn mây”, buổi sáng dậy lên Vọng Hải đài đón bình minh. Tối thì tham gia một đêm lửa trại. Ngày thì đi vài điểm như thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ. Chuyến đi lần này tôi được may mắn tận mắt thấy một chú voọc ngũ sắc. Nó ra tận ven đường. Anh kiểm lâm cho biết, con voọc này được di cư từ khu vực Laguna về, nó chưa nhập đàn được nên sống một mình, hay ra khu vực ven đường. Chỉ một ngày đêm ở Bạch Mã, chừng ấy đã làm tôi cảm nhận sự thích thú. Đó là chưa nói đến màu xanh của rừng nguyên sinh, nhiệt độ hôm ấy ở chân núi Bạch Mã là 34, 35 độ C nhưng lên đến đỉnh chỉ còn 19 độ C. Hôm ấy tôi ngủ lều ở Bạch Mã. Những lều bên cạnh là các bạn từ Đà Nẵng ra. Các bạn còn rất trẻ và cứ rủ rỉ rù rì chuyện trò đến 1-2 giờ sáng. Có phải những thứ như vậy người ta bảo là “du lịch trải nghiệm”?
Ai thích trải nghiệm thì nên đến với Bạch Mã. Ai thích sự gần gũi với thiên nhiên thì nên chọn nơi này. Ai thích sự thiếu hụt tiện nghi, thứ mà ở các thành phố đầy rẫy ra thì cũng nên đến Bạch Mã để chúng ta thấy cái sự… thiếu. Đơn giản Bạch Mã là một Vườn Quốc gia chứ không phải là một khu du lịch. Bạch Mã là một địa chỉ nổi tiếng, nhưng Bạch Mã không phải phù hợp với tất thảy mọi người. Tôi biết 10 chiếc lều kia chỉ nằm gọn trong một khu vực rất nhỏ, nơi trước đây cũng đã từng là khu cắm trại khi nó chưa trở thành Vườn Quốc gia. Chỉ được cắm trại trong khu này thôi, không được mở rộng. Là vì không ai cấp cho nó giấy phép kinh doanh du lịch, chỉ là tự tổ chức, tự quản.
Tôi cảm nhận rằng Bạch Mã là một nơi kén khách. Bạch Mã không dành cho những người đòi hỏi luôn luôn phải đầy đủ tiện nghi bên mình. Bạch Mã dành cho những người nhẩn nha đi bộ chứ Bạch Mã có vẻ không thích hợp cho những người ầm ào đi xe máy. Bạch Mã nếu hiện đại lên (mà cũng không được phép và cũng không nên lựa chọn) thì Bạch Mã cũng na ná, hao hao… như “anh hàng xóm” Bà Nà. Khi con gà có đẻ ra trứng vàng thì khi đấy Bạch Mã sẽ không còn là Bạch Mã nữa. Đấy là điều Bạch Mã tự thân không lựa chọn. Những nhà quản lý không cho phép Bạch Mã lựa chọn điều đó. Bạch Mã thích đón những người bạn khao khát sống gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên. Đi cũng phải cần đi chậm, nói cũng phải cần nói khẽ; thấy được vẻ đẹp của rừng, của trời, của mây, của nước; của cái sự mơn man mát rượi làn da… Nói thẳng ra, Bạch Mã cần sự tinh tế.