Để tạo động lực làm việc trở lại sau kỳ nghỉ, chuyên gia khuyến nghị mọi người chia ngày làm việc thành từng khối thời gian, ưu tiên hoàn thành những đầu việc mình ưa thích.
Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài gần một tuần, nhiều người coi việc tái thiết lập các thói quen thường ngày và làm việc trở lại là “cơn ác mộng”. Nghiên cứu của Zapier/Harris cho thấy 87% người lao động trí thức sợ quay lại văn phòng sau nghỉ lễ.
Theo thống kê, 37% tình nguyện viên cảm thấy khó khăn khi nối lại thói quen, 31% không thể bắt kịp các nhiệm vụ hành chính, 27% choáng ngợp vì công việc bận rộn, 27% buồn bã sau kỳ nghỉ, 26% sợ phải xử lý hàng đống email, tin nhắn chưa đọc.
Nhà tâm lý học Jeroen Nawijn cho biết đây là cảm xúc bình thường sau kỳ nghỉ. Mọi người có xu hướng vui vẻ trong dịp lễ Tết vì họ thấy tự do, thoải mái làm những gì mình muốn. Khi quay trở lại bàn làm việc, phần lớn đối mặt với khối lượng nhiệm vụ còn dang dở, cần trả lời cấp trên về thời gian hoàn thành chúng.
“Nhiều người không muốn quay trở lại làm việc vì biết rằng các vấn đề sẽ chồng chất khi họ vắng mặt”, Suzanne Degges-White, nhà trị liệu tại Đại học Bắc Illinois, giải thích.
Ngoài ra, trong kỳ nghỉ, nhiều người có lịch sinh hoạt và ngủ thức bừa bãi, ăn uống vô độ hoặc dùng quá nhiều rượu, có thể dẫn đến uể oải kéo dài. Đây còn gọi là “post-vacation depression” – hội chứng trầm cảm sau nghỉ lễ. Dấu hiệu là uể oải, khó ngủ, đau mỏi vai gáy, thắt lưng, khó tập trung công việc, tinh thần đi xuống.
Các chuyên gia chia sẻ phương pháp giúp giảm thiểu tình trạng này, lấy lại động lực làm việc nhanh chóng sau Tết, như sau:
Theo chuyên gia Degges-White, việc ngắt kết nối hoàn toàn với công việc có thể khiến bạn bị đình trệ. Bà khuyến nghị mọi người không từ bỏ 100% thói quan kiểm tra tin nhắn và email, dù không giải quyết chúng ngay lập tức. Bằng cách này, bạn có thể cập nhật tiến độ công việc (nếu có trong dịp Tết), giúp hòm mail không quá lộn xộn.
Nhà tâm lý học Nawijn khuyến nghị chuẩn bị trước lộ trình điều chỉnh nhịp sống từ chế độ nghỉ ngơi sang làm việc. Giữa hai giai đoạn này, bạn cần có khoảng trống để chuyển tiếp, chẳng hạn nghỉ ngơi một ngày hoặc nửa ngày, không nên tận hưởng kỳ nghỉ Tết “thả ga”, rồi làm việc liên tục ngay hôm sau. Bạn có thể kiểm tra lịch trình và các đầu việc một ngày trước khi quay lại văn phòng để không bị bất ngờ bởi những cuộc họp hoặc nhiệm vụ mới.
Degges-White khuyến nghị chia ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thành các khối thời gian, không quên nghỉ giải lao giữa các khoảng thời gian đó. Bạn có thể vận dụng quy tắc 52/17, tức là làm việc trong 52 phút, nghỉ ngắn sau đó tiếp tục làm việc 17 phút và lặp lại.
Sắp xếp khu vực làm việc ngăn nắp là điều đầu tiên bạn nên làm khi quay trở lại văn phòng. Đối với một số người, điều này giúp thể chất và tinh thần trở nên sảng khoái.
Trong tuần đầu tiên, bạn có thể hoàn thành những đầu việc mình thực sự yêu thích và hứng thú, lên lịch ăn trưa với đồng nghiệp để chia sẻ kỳ nghỉ của bản thân, tạo hứng thú trong công việc. Bên cạnh đó, bạn có thể mặc những bộ quần áo khiến mình cảm thấy tự tin, nhằm nâng cao tinh thần.
Khi bạn trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, hãy mang theo một món quà lưu niệm phù hợp với văn phòng. Trong cuốn sách Huyền thoại về Hạnh phúc, giáo sư tâm lý học Sonja Lyubomirsky của UC Riverside cho biết việc nhớ về kỳ nghỉ có thể mang lại niềm vui lớn hơn.
Thục Linh (Theo Calendar)