(Dân trí) – Người lao động khu vực Nhà nước tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2025 sẽ có cách tính lương hưu tương tự như người lao động khu vực tư nhân.
Theo Luật BHXH hiện hành (năm 2014) cũng như Luật BHXH sửa đổi (năm 2024), lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.
Về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu, theo Luật BHXH năm 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cũng quy định cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu tương tự như trên. Khác biệt duy nhất là Luật BHXH năm 2024 bổ sung quy định trường hợp lao động nam khi đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
Trong trường hợp này, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của lao động nam bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Trong công thức tính lương hưu, khác biệt lớn nhất giữa người lao động khu vực Nhà nước so với các nhóm còn lại là cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.
Tại Luật BHXH năm 2014, cách tính mức bình quân tiền lương được quy định tại Điều 62. Tại Luật BHXH năm 2024, cách tính này được quy định tại Điều 72. Cách tính mức bình quân tiền lương ở cả 2 luật này đều được quy định như nhau.
Theo đó, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động khu vực ngoài nhà nước và người tham gia BHXH tự nguyện được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian họ tham gia BHXH.
Còn đối với người lao động khu vực Nhà nước, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được tính bình quân của những năm cuối đóng BHXH trước khi nghỉ hưu, tùy vào thời điểm họ tham gia BHXH.
Chính vì cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH khác nhau dẫn đến cách tính lương hưu của người lao động khu vực Nhà nước hiện nay khác với người lao động khu vực ngoài nhà nước và người tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, theo lộ trình điều chỉnh trên, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động khu vực Nhà nước tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 sẽ được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian họ tham gia BHXH.
Tức là, người lao động khu vực Nhà nước tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 sẽ có cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH giống như các nhóm lao động khác.
Với cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH giống nhau, lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2025 sẽ được tính như nhau, không phân biệt khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/cach-tinh-luong-huu-nhan-vien-nha-nuoc-tham-gia-bhxh-tu-nam-2025-20241107130503655.htm