Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư này áp dụng cho các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), do ngân sách Nhà nước thanh toán, theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi do quỹ BHYT chi trả.
Giá này bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện dịch vụ gắn với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm định giá, tích lũy và lợi nhuận dự kiến.
Nguyên tắc xác định giá, bảo đảm bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh chữa bệnh, phù hợp với quan hệ cung cầu dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, bảo toàn vốn và có tích lũy theo quy định của pháp luật.
Phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở khám bệnh chữa bệnh và người bệnh; các yếu tố hình thành giá, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh đảm bảo phù hợp tại thời điểm định giá. Giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn khi có biến động.
Tiêu chí xác định chi phí để hình thành giá phù hợp với từng phương pháp định giá; khuyến khích các đơn vị cung ứng dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ và phấn đấu giảm chi phí.
Cụ thể, phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
Các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
Giá thành toàn bộ dịch vụ gồm chi phí nhân công (tiền lương, tiền công, phụ cấp, thuê chuyên gia, thu nhập bình quân tăng thêm…), chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, máu, điện, nước, xử lý chất thải, kiểm soát nhiễm khuẩn…), chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…)
Tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) không quá 10% tổng chi phí cấu thành giá.
Các nghĩa vụ tài chính (các khoản phí, lệ phí, thuế, thuế sử dụng đất/chi phí thuê đất…).
Trong khi đó, phương pháp so sánh là phương pháp định giá căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh các đặc điểm kinh tế, kỹ thuật và các mức giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương tự được cung ứng trên thị trường trong nước, có tham khảo giá cả trên thị trường khu vực và thế giới (nếu có).
Thông tư này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.