Nếu năm 2023 có 1 từ khóa thì đó chính là “Generative AI – AI tạo sinh”. Khi Chat GPT được đưa ra và sau đó hiệu ứng truyền thông đã tạo làn sóng AI trên toàn cầu, Việt Nam cũng hòa cùng làn sóng đó. Lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy sản phẩm AI gần gũi mà ai cũng có thể sử dụng được. Nhiều người thấy rằng câu chuyện phát triển AI không còn xa mà đã bắt đầu đi vào ngõ ngách cuộc sống.
Làn sóng AI thứ nhất sắp kết thúc
Làn sóng AI tạo sinh đã tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực đời sống, thậm chí, tác động mạnh đến cả công ty công nghệ làm AI. Bạn tôi làm ở công ty công nghệ tại TP.HCM chia sẻ rằng, ở công ty anh chỉ cần bỏ ra vài tiếng tìm hiểu, sau đó, trong vòng 2 tiếng xử lý dữ liệu là đã có thể tạo được chatbot phục vụ cho riêng công ty của mình. Vì vậy, những công ty làm AI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi những mô hình lớn như Chat GPT. Thậm chí, những công ty AI khi được hỏi là Chat GPT tác động như thế nào thì gần như tất cả đều trả lời rằng không biết công ty của mình có nên tồn tại hay không.
Tuy nhiên, đây là cơ hội rất lớn để đưa AI vào sử dụng trong doanh nghiệp. Chúng ta nhìn thấy AI tạo sinh ở khả năng ứng dụng không có giới hạn khi nó có thể sinh ra thông tin gần giống như con người tạo ra.
Tôi cho rằng câu chuyện mô hình Generative AI phải đầu tư rất lớn nhưng cũng có tác động lớn tới thị trường này và nó tương đối định hình với khoảng 5 – 7 “ông lớn” trên thế giới. Generative AI mở ra cơ hội ứng dụng AI rất lớn cho xã hội nhưng công cụ gốc sẽ chỉ nằm trong tay vài công ty công nghệ lớn.
Như vậy, làn sóng AI thứ nhất đã định hình xong trên thế giới. Điều này đã được dự báo từ năm 2018 – 2019, bởi đây là cuộc chơi của những công ty công nghệ nhiều tiền và nhân lực giỏi.
Trong tương lai, AI sẽ tác động không trừ ngành nào bởi AI xử lý thông tin thay cho não bộ con người. Thậm chí, có những trường hợp AI xử lý nhanh và logic, ngữ nghĩa tốt hơn con người. Tuy nhiên, việc đưa AI vào sử dụng không chỉ phụ thuộc vào công nghệ, dữ liệu, mà còn cả pháp luật, đạo đức… Vì vậy, đây không chỉ là câu chuyện của AI mà là vai trò AI phụ thuộc vào. Ví dụ như ứng dụng Generative AI sẽ tác động vào ngành báo chí khi cần sinh ra lượng nội dung lớn và chất lượng ở mức trung bình.
Chuẩn bị cho làn sóng AI thứ hai
Hiện một số doanh nghiệp làm AI của Việt Nam tập trung vào thế mạnh là tiếng Việt. Nhưng để phát triển những công cụ gốc như Chat GPT là câu chuyện của toàn cầu. Câu chuyện cạnh tranh trong lĩnh vực AI sẽ rất khốc liệt và doanh nghiệp khó tồn tại nếu không có sản phẩm khác biệt. Nếu chúng ta bắt chước làm các công nghệ AI nền tảng để thế giới sử dụng như các “ông lớn” OpenAI làm, sẽ không thể cạnh tranh nổi. Nhưng nếu đi theo con đường phát triển ứng dụng AI thì là câu chuyện khác.
Nếu không sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn thì để có được nền tảng lớn như Chat GPT là bất khả thi, nhưng thậm chí ngay cả khi chúng ta có mô hình ngôn ngữ lớn mà để có được mô hình như Chat GPT vẫn là câu chuyện khó.
Chúng ta có thể thấy những quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không làm các nền tảng và các mô hình lớn AI mà họ tập trung vào ứng dụng. Điều này có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào làm AI chung sẽ có rất nhiều nguy cơ. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào ứng dụng dựa trên nền tảng của các “ông lớn” công nghệ.
Câu chuyện đặt ra ở đây là làm 1 nền tảng để cạnh tranh hay ứng dụng những nền tảng lớn AI? Tôi cho rằng chúng ta chỉ làm khi bắt buộc phải làm mà không có lựa chọn nào khác như ứng dụng cho an ninh quốc phòng, hay lĩnh vực đặc thù. Còn lại, chúng ta nên tập trung vào vấn đề ứng dụng, bởi rất khó có thể làm những sản phẩm cạnh tranh hay vượt qua Chat GPT.
Hiện nay, để làm được mô hình ngôn ngữ lớn trên thế giới có khoảng 8 công ty, trong đó 5 công ty của Mỹ và 3 công ty của Trung Quốc. Trung Quốc thì đương nhiên phải làm vì bản thân họ đã là thị trường quá lớn.
Tuy nhiên, chúng ta còn có AI ứng dụng chuyên ngành và có thể bùng nổ trong năm tới mà có những “ông lớn” công nghệ đang làm là Google. Chúng ta thấy Google sẽ có những mô hình cho phép ứng dụng nghiệp vụ với dữ liệu đặc thù. Đây sẽ là cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam.
Làn sóng AI tiếp theo sau Generative AI sẽ là ứng dụng AI trong doanh nghiệp. Lúc đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có ứng dụng AI hoạt động như một cấu phần và có những chức năng như nhân viên trong doanh nghiệp, có thể tham gia tất cả các khâu trong doanh nghiệp, từ kế toán, điều hành sản xuất đến nhân sự…
Một bạn là nhân viên mua sắm thiết bị y tế của bệnh viện tại Hà Nội nói rằng bạn ấy dùng Chat GPT để tra cứu thiết bị, so sánh các loại thiết bị để tham khảo thay vì mò vào các website để nắm thông tin.
Ví dụ này cho thấy, phần lớn AI rộng như Chat GPT mới chỉ được ứng dụng cá nhân đơn lẻ chứ chưa thành hệ thống trong doanh nghiệp để có thể thay đổi mô hình kinh doanh và tạo lợi thế cạnh tranh. Đó chính là thị trường và cơ hội mà các doanh nghiệp AI của Việt Nam hướng tới.
Việt Nam có thể chủ động chuẩn bị đón làn sóng AI lần thứ hai bằng năng lực của mình, để có bước đi phù hợp. Nếu chúng ra chuẩn bị nguồn lực, chính sách tốt thì có thể đi nhanh hơn trong làn sóng AI lần thứ hai.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam